Đợt giãn cách vì COVID-19 vừa qua tạo ra yêu cầu liên kết vùng TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL ngày càng cấp thiết và thực chất - Ảnh: NHẬT THỊNH
Ông Phan Minh Thông chia sẻ từng được lãnh đạo Sơn La mời gọi đầu tư một nhà máy chế biến cà phê tại Sơn La. Và chỉ 8 tháng sau cuộc gặp gỡ đó, nhà máy đã hoàn thành dù ít người Việt Nam biết Sơn La trồng được cà phê.
Đến nay thương hiệu cà phê Sơn La đã rất nổi tiếng trên thế giới. Nông dân là người được hưởng lợi nhất khi có đầu ra ổn định, giá bán rất cao.
“Lãnh đạo của Sơn La quá nhiệt tình và cầu thị thu hút đầu tư. Doanh nghiệp chúng tôi quyết tâm làm. Nhưng hơn 20 năm kinh doanh đủ các loại nông sản trong nước, tôi chưa bao giờ được mời xúc tiến thương mại tại Đồng bằng sông Cửu Long để xây nhà máy cả”, ông Thông cho biết.
Nhưng không chỉ là lý do mời gọi đầu tư mà còn nhiều cản trở để đầu tư vào khu vực này. Doanh nghiệp không thể chấp nhận nổi đi từ TP.HCM đến Cà Mau mất 5 tiếng đồng hồ. Rồi các thủ tục giấy phép, tại sao xuất khẩu gạo phải có giấy phép.
“Gạo Việt Nam nhiều lắm mà? Chúng tôi muốn xây dựng nhà máy chế biến gạo giá cao, để mua giá của dân cao như của nông dân Sơn La, nhưng chưa thể làm được với các điều kiện như thế”, ông Thông cho hay.
Các đại biểu tham quan các gian hàng thực phẩm xanh trong khuôn khổ Mekong Connect 2021 - Ảnh: NHẬT THỊNH
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Vina T&T, cho biết, giá vú sữa đạt chuẩn xuất khẩu nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang bán ra là 40.000 đồng/kg, đang được bán tại Mỹ là 500.000 đồng/kg. Phần chênh lệch này đa số nằm ở chi phí logistics. Giá cước quá cao cả đường biển lẫn đường hàng không, và muốn có chỗ để xuất khẩu hàng cũng không có.
Tất cả các hãng hàng không quốc tế chỉ cho Việt Nam khoảng 10 tấn trái cây tươi mỗi tuần, trong khi nhu cầu hàng ngàn tấn. Còn đường biển, các doanh nghiệp vận tải không muốn nhận, vì rủi ro cao.
“Chúng tôi chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của các khách hàng hiện có dù nguồn hàng có đủ vì các vấn đề logistics. Phần dư thừa phải đem vào cấp đông hoặc chế biến”, ông Tùng cho biết.
Ông Nguyễn Phương Lam - giám đốc VCCI Cần Thơ - chia sẻ, chi phí đường thủy cao hơn chi phí đường bộ là nghịch lý. Chi phí một container từ Đồng bằng sông Cửu Long đi TP.HCM bằng từ TP.HCM đi Đà Nẵng cho thấy sự không đồng bộ.
“Liên kết vùng là câu chuyện lớn và đã nói nhiều lần. Nhưng logistics là vấn đề rất cụ thể và cần thiết để TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long phải giải quyết để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam", ông Lam cho biết.
Trong lời phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi bày tỏ TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được ngồi lại với nhau ở đây là một điều vô cùng đáng quý, đáng trân trọng. Và chính điều này mở ra kỳ vọng để TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long giải quyết nhu cầu vô cùng cấp thiết, đó là “liên kết cùng phát triển”.
Ông Phan Văn Mãi nói: “Liên kết cùng phát triển TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long là nhu cầu cấp thiết. TP.HCM muốn cùng Đồng bằng sông Cửu Long ngồi lại bàn bạc để tìm ra các giải pháp chung, gắn bó cùng nhau phát huy các thế mạnh của mỗi địa phương để cùng phát triển”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ: “Đồng bằng sông Cửu Long không phát triển có phải chỉ do hạ tầng không? Tôi đã cố gắng tự thuyết phục tôi như vậy, nhưng có lẽ không phải. Tư duy liên kết, tư duy hợp tác mới là mấu chốt. Hạ tầng là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ”, ông Hoan nói.
Ông lý giải, TP.HCM là một thực thể kinh tế, sự điều phối, sự lãnh đạo sẽ thuận tiện hơn. Trong khi đó, 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là 13 mảnh ghép, mảnh ghép của 20 triệu người, và như thế mọi việc sẽ luôn khó khăn vất vả.
Theo ông Hoan, tư duy hợp tác liên kết vùng đã nói 20 năm nay, nhưng chưa thể thay đổi. Và để thay đổi thì cần phải huy động được nguồn trí tuệ của mọi thành phần kinh tế, từ chuyên gia, người nông dân… và đặc biệt là doanh nghiệp.
“Từ thực tiễn sinh động ở Đồng bằng sông Cửu Long, tôi mong rằng các doanh nghiệp, các chuyên gia bằng các mô hình, bằng sự hợp tác công tư đóng góp ý tưởng, đóng góp sáng kiến bằng các mô hình các hoạt động thực tiễn của mình. Làm sao để 20 năm nữa, chúng ta có một Đồng bằng sông Cửu Long mang thương hiệu thế giới”, ông Hoan nói.