Nhân viên y tế Nam Kinh lấy mẫu xét nghiệm diện rộng sau khi bùng phát ổ dịch biến thể Delta tại sân bay - Ảnh: AFP
Theo cơ quan y tế thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô), tính đến ngày 22-7, có 16 trường hợp mắc COVID-19 được xác nhận và 12 người khác dương tính SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng. Hầu hết các trường hợp này là nhân viên dọn dẹp vệ sinh của sân bay Lộc Khẩu.
Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 23-7 dẫn lời bác sĩ Yang Yi, phó trưởng ban điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh Giang Tô, cho biết tất cả bệnh nhân đều đã được tiêm vắc xin, ngoại trừ một người dưới 18 tuổi.
Ông Yang không nói rõ những người này được tiêm loại vắc xin gì.
"Đây đều là các trường hợp bệnh nhẹ. Dựa trên những gì chúng tôi quan sát thấy ở Quảng Đông và Thụy Lệ của tỉnh Vân Nam, một người đã tiêm vắc xin vẫn có thể bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên khả năng bệnh nặng của họ sẽ thấp hơn (người không tiêm) và diễn biến bệnh cũng ngắn hơn", bác sĩ Yang trấn an.
Theo SCMP, việc một người đã tiêm vắc xin nhưng vẫn mắc COVID-19 được gọi là các trường hợp "nhiễm đột phá" (breakthrough infection). Không riêng gì Trung Quốc, những trường hợp này đã xuất hiện tại một vài nơi trên thế giới sau khi biến thể Delta xuất hiện và lan rộng toàn cầu.
Tại Trung Quốc, các ca nhiễm đột phá được phát hiện ở những nhóm dân số có nguy cơ cao, chủ yếu là người làm việc tại sân bay và bệnh viện.
Ca nhiễm đột phá đầu tiên được ghi nhận vào tháng 3-2021 là một bác sĩ làm nhiệm vụ xét nghiệm COVID-19 ở Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây. Người này chỉ có triệu chứng nhẹ và dần hồi phục sau 3 ngày, theo SCMP.
Hồi tháng trước, một nhân viên hải quan và nhân viên phục vụ ăn uống tại sân bay Thâm Quyến có kết quả dương tính biến thể Delta dù đã được tiêm chủng.
Cũng tại Quảng Đông, vào đầu tuần này, giới chức y tế Trung Quốc xác nhận có thêm 1 ca nhiễm đột phá là một y tá chăm sóc bệnh nhân mắc biến thể Delta.
Số lượng các ca nhiễm đột phá tăng nhanh chóng khiến một số người nghi ngại hiệu quả của vắc xin. Biến thể Delta đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào nhóm đáng lo ngại vì lây lan nhanh.
Ông Ma Wenjun, một quan chức thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Quảng Đông, kêu gọi mọi người bình tĩnh. Theo vị này, người dân nên tiếp tục tiêm vắc xin vì chúng giúp ngăn chặn bệnh diễn biến nặng, thậm chí tử vong.
"Không vắc xin nào có khả năng bảo vệ con người khỏi việc bị bệnh 100% cả. Những ca nhiễm đột phá sẽ luôn có, chỉ là ít hay nhiều. Mọi người nên hiểu điều này", ông Ma nêu quan điểm.
Theo ông Ma, tình trạng nhiễm đột phá xảy ra khi vắc xin không kích hoạt đủ phản ứng miễn dịch trong cơ thể. Khả năng khác là hệ thống miễn dịch sản xuất không kịp và không đủ kháng thể hoặc người bệnh gặp phải một biến thể kháng vắc xin.
Các nhân viên làm nhiệm vụ khử trùng ga tàu và các địa điểm công cộng tại Vũ Hán sau khi dịch được khống chế năm 2020 - Ảnh: REUTERS
Vũ Hán xét nghiệm máu người dân để truy nguồn gốc COVID-19
Ông Liang Wannian, người dẫn đầu nhóm chuyên gia Trung Quốc tham gia cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 do WHO dẫn dắt, cho biết Trung Quốc sẽ xét nghiệm máu của người dân Vũ Hán để truy tìm nguồn gốc đại dịch.
Các mẫu máu được xét nghiệm được lấy từ trước khi COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán và hiện đang được lưu trữ. Tuy nhiên việc xét nghiệm sẽ không thể diễn ra ngay lập tức mà phải chờ đến hết 2 năm kể từ ngày lưu trữ.
Theo luật định, việc lưu trữ các mẫu máu đến 2 năm nhằm phục vụ cho các tranh cãi pháp lý hoặc y tế, chẳng hạn một người tố bị nhiễm trùng sau khi truyền máu. Như vậy, sớm nhất phải đến cuối năm nay hoặc đầu năm sau việc xét nghiệm mới có thể được tiến hành.
"Chính quyền sẽ sắp xếp những chuyên gia và tổ chức có liên quan để chuẩn bị cho công việc này. Chúng tôi sẽ xét nghiệm và chia sẻ kết quả với bất kỳ nhà khoa học nào, cả trong và ngoài Trung Quốc", ông Liang cam đoan trong cuộc họp báo ngày 22-7.
Vũ Hán là nơi ghi nhận các ca mắc COVID-19 đầu tiên ở Trung Quốc. Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu mẫu máu được xét nghiệm và việc này có được tiến hành ở các địa phương khác hay không.
Giới chức y tế Trung Quốc đã bác bỏ kế hoạch điều tra nguồn gốc COVID-19 giai đoạn 2 do WHO đề xuất, cho rằng có động cơ chính trị đằng sau.
Đáp lại ngày 23-7, một phát ngôn viên của WHO khẳng định không có động cơ chính trị nào sau đề xuất quay trở lại Vũ Hán.
"Các quốc gia nên có trách nhiệm hợp tác với nhau và làm việc với WHO trên tinh thần hợp tác", vị này kêu gọi.