Người trồng xoài huyện Cam Lâm lo lắng vì xoài không xuất bán được - Ảnh: MINH CHIẾN
Những ngày này, vùng xoài Cam Ranh (TP Cam Ranh và huyện Cam Lâm) - nơi có diện tích trồng xoài lớn nhất miền Trung - đang vào mùa rộ. Nhưng thay niềm vui được mùa, những người nông dân lại như ngồi trên lửa vì xoài Úc chín đỏ cây mà chẳng có người mua.
Ngồi nhặt từng quả xoài cho vào thùng, ông Trần Văn Ngọc (thôn Tân Hải, xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm) cho biết nhà ông còn hơn 2 tấn xoài Úc đến kỳ thu hoạch nằm chờ trên cây vì giá quá thấp không biết bán đi đâu. Loại 1 từ 40.000 đồng xuống còn 8.000 đồng/kg, thậm chí xoài Úc loại 2 chỉ còn 2.000 đồng/kg.
"Vườn nhà tôi rộng gần 4ha, xoài chín rụng đầy vườn nên đành kêu mối bán, giá bao nhiêu cũng bán, miễn sao thu được ít tiền. Cả tấn xoài bán có 8 triệu đồng, không bõ công thuê hái, vận chuyển. Xoài chín nhiều nên phải mở sạp bán cho khách đi đường hoặc chế biến thành xoài sấy dẻo, trừ tiền công, nguyên liệu chả dư được mấy", ông Ngọc xót xa nói.
Cũng theo ông Ngọc, giá xoài giảm nhưng công, chi phí không giảm. Tiền công lao động hái xoài từ 6h sáng đến trưa 500.000 đồng/công; gom xoài bằng xe rùa 400.000 đồng/công; xe tải nhỏ chở hàng 300.000 đồng/tấn cho quãng đường 2-3km. Ngoài ra, chi phí vật tư, phân thuốc trong vụ đều tăng 5-10%, nhất là phân bón.
"Vụ này cầm lỗ chắc. Đợt trước vay ngân hàng gần 500 triệu để lo chi phí, tưởng năm nay kéo lại vốn ai ngờ giá còn rớt thê thảm hơn năm ngoái. Chắc sang năm phải bán lại vườn hoặc chuyển sang cây trồng khác", ông Ngọc cho biết thêm.
Chỉ những trái xoài Úc chín đều, to và tròn đẹp mới được thương lái thu mua - Ảnh: MINH CHIẾN
Số tiền bán xoài không đủ để chủ vườn trả cho nhân công trồng và thu hoạch xoài - Ảnh: MINH CHIẾN
Không chỉ người trồng gặp khó, ngay cả những người thu gom xoài từ vườn bán lại cho chủ vựa cũng lỗ vốn, nhiều chủ vựa phải đóng cửa hoặc ngưng nhập.
Bà Nguyễn Thị Cúc, chủ vựa xoài (thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm), cho hay thị trường tiêu thụ nội địa rất chậm, trong khi xoài xuất sang Trung Quốc, Đài Loan, Dubai… liên tiếp gặp khó khăn.
"Người trồng xoài chỉ muốn bán tống bán tháo cho nhanh, lấy được đồng nào hay đồng đó nên có lúc không gọi họ cũng chở tới, đặt vài chục ký thì chở đến cả xe. Tôi hiểu tình cảnh khó khăn của họ nhưng không dám mua nhiều vì sợ ôm hàng bán không hết sẽ lỗ nặng.
Cơ sở chỉ thu mua 1 tấn/ngày so với những năm trước 4-5 tấn/ngày, có ngày hàng không chạy phải ngưng nhập", bà Cúc nói.
Do xoài chín nhiều, người nông dân chấp nhận bán với giá rất thấp để giảm thiệt hại - Ảnh: MINH CHIẾN
Các vựa xoài chỉ dám thu mua cầm chừng vì hàng xuất khẩu không chạy, hàng nội địa tiêu thụ quá chậm - Ảnh: MINH CHIẾN
Theo ông Nguyễn Trọng Trung - chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa, cả vùng xoài Cam Lâm đang có trên 6.000ha xoài, lượng xoài tồn đọng ước khoảng 20.000 tấn, chiếm đến một nửa sản lượng năm nay.
Xoài bị tồn đọng là do ảnh hưởng bởi COVID-19 khiến việc vận chuyển, tiêu thụ xoài đi các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu sang các nước gặp trắc trở. Bên cạnh đó, các nước láng giềng cũng đang thu hoạch, như Trung Quốc có đến 250.000ha xoài, Campuchia có khoảng 100.000ha xoài cho năng suất, sản lượng rất cao...
Ông Trung cũng cho biết trước mắt hội đang kiến nghị các ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giảm lãi cho các nhà vườn. Sau đó sẽ phối hợp Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa xoài Úc vào các chợ đầu mối các tỉnh và TP.HCM tiêu thụ, kêu gọi hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ trên địa bàn giải cứu xoài.
Về lâu dài, kêu gọi các doanh nghiệp trong tỉnh nghiên cứu, lắp đặt dây chuyền chế biến sản phẩm xoài nhằm hỗ trợ tiêu thụ xoài cho nông dân. Đồng thời tìm kiếm các thị trường tiềm năng và chuyển đổi cây trồng mới phù hợp hơn.