Xoay xở với bài toán việc làm - Kỳ 3: Chuyển động việc làm 2021

3 năm trước 851
 Chuyển động việc làm 2021 - Ảnh 1.

Nhiều nhà máy sản xuất đang tuyển dụng lao động ở nhiều vị trí - Ảnh: VŨ THỦY

Thời điểm cận tết, Công ty Taekwang Vina Industrial (Đồng Nai) vẫn đăng tuyển số lượng hàng ngàn lao động. Từ lao động phổ thông cho đến thợ hàn, kỹ sư IT, kỹ sư hóa học và các vị trí quản trị khác.

Tiềm năng việc làm

Công ty này hiện đang có khoảng 35.000 lao động nhưng nhu cầu tuyển dụng cho sản xuất sắp tới rất lớn. 

"Hiện tại tình hình đơn hàng của công ty đã phục hồi gần bằng thời điểm trước dịch. Trước đó, những lúc cao điểm khó khăn, chúng tôi cũng cắt giảm một số lao động với khoản hỗ trợ mất việc cao hơn luật định. Nhưng đến nay thì công ty phải tuyển dụng thêm cả ngàn lao động mới đảm bảo sản xuất. Sau tết dự tính tuyển thêm khoảng 2.000 lao động nữa" - ông Đinh Sỹ Phúc, chủ tịch công đoàn Taekwang Vina, cho biết. 

Tại TP.HCM, nhiều công ty cũng đang tuyển dụng để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất đầu năm mới. Năm 2020 là một năm khó khăn với rất nhiều công ty nhưng Công ty CP In số 7 (Q.Bình Tân, TP.HCM) vẫn duy trì phúc lợi tốt cho người lao động, đồng thời đang có kế hoạch mở thêm xưởng mới. 

"Chúng tôi đang có nhu cầu tuyển dụng từ thợ in học việc cho đến các vị trí văn phòng, quản trị cho xưởng mới" - ông Trương Hoàng Tâm, chủ tịch công đoàn, nói về kế hoạch năm 2021 của công ty.

Về triển vọng việc làm 2021, bà Ngô Thị Ngọc Lan (giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Search) nhận định rằng, tuy số lượng người thất nghiệp của Việt Nam tăng cao trong năm 2020 nhưng nhờ có sự kiểm soát tốt của Chính phủ về đại dịch, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy nhu cầu tuyển dụng trong mảng sản xuất vẫn có dấu hiệu tăng trưởng. Tương tự đối với khối dịch vụ (tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bán lẻ...) vẫn luôn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự. 

"Tính đến cuối năm 2020, vẫn có nhiều nhà đầu tư từ châu Âu, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc thăm dò thị trường Việt Nam trong mảng sản xuất, cụ thể là điện tử, cơ khí, ôtô - sản xuất phụ trợ, nhựa...", bà Lan cho biết thêm.

Tương tự, ông Nguyễn Xuân Sơn (trưởng phòng dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động, ManpowerGroup Việt Nam) cho biết báo cáo Tổng chỉ số lao động thường niên 2020 (TWI 2020) do Talent Solutions - một thương hiệu thuộc ManpowerGroup - thực hiện trên 76 quốc gia và vùng lãnh thổ đã chỉ ra nhiều điểm tích cực về Việt Nam. Trong đó, Việt Nam nằm trong top 5 thị trường hàng đầu trên toàn cầu về hiệu quả chi phí bao gồm Philippines, Croatia, Morocco, Việt Nam và Thái Lan. Việt Nam hiện cũng là một trong những thị trường hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

 Chuyển động việc làm 2021 - Ảnh 2.

Dự báo nhu cầu nhân lực theo ngành nghề tại TP.HCM trong năm 2021 Nguồn: Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM - Đồ họa: N.KH.

Ngành nghề mới nào sẽ "lên ngôi"?

Dự đoán về những ngành nghề mới "hậu COVID-19", bà Ngọc Lan cho biết sau đại dịch, có một thực tế là con người buộc phải thích nghi với nền tảng công nghệ mới. Từ đó, sẽ có nhiều hơn nữa những doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự cho các vị trí liên quan đến công nghệ, ví dụ như AI, blockchain, khoa học dữ liệu... Các hình thức kinh doanh trực tuyến, bán hàng trực tuyến hay đào tạo trực tuyến sẽ trở thành một xu hướng mới. 

"Chẳng hạn như trong lĩnh vực bảo hiểm, hiện nay các công ty bảo hiểm đang bán bảo hiểm trực tuyến, chứ không chỉ duy trì mạng lưới các đại lý như trước. Nhiều doanh nghiệp thậm chí đã tuyển dụng trực tuyến, do vậy khả năng sử dụng công nghệ và khả năng tiếp thị bản thân trên các kênh mạng xã hội cũng là điều các bạn trẻ cần đặc biệt lưu ý để tăng lợi thế cạnh tranh", bà Ngọc Lan nói.

Ông Xuân Sơn cho rằng nhu cầu tuyển dụng các chuyên gia an ninh mạng, phân tích dữ liệu, phát triển phần mềm và ứng dụng đang gia tăng. Thậm chí các vị trí nghe khá mới mẻ như nhân viên theo dõi tiếp xúc (contact tracers), giám sát khoảng cách và kiểm tra thân nhiệt ngày càng nhiều hơn. 

"Trên toàn cầu, các kỹ năng về công nghệ thông tin, đặc biệt là những kỹ năng hỗ trợ làm việc từ xa như an ninh mạng vẫn đang thu hút người lao động. Bên cạnh đó, các vị trí trong ngành y tế, vận hành doanh nghiệp và hậu cần sẽ tiếp tục là các ngành trọng yếu. Cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội đang diễn ra sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về kỹ năng chuyên môn và kỹ năng con người (kỹ năng mềm) như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ưu tiên, khả năng thích nghi, khả năng đề xuất ý tưởng, liêm chính và tư duy phản biện", ông Sơn phân tích.

Nhu cầu nhân lực 2021 tại TP.HCM không giảm so với 2020

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường TP.HCM, trong quý 1-2021, TP cần khoảng 70.000 - 75.000 chỗ làm việc tập trung ở các ngành kinh doanh - thương mại, dịch vụ phục vụ, dệt may - giày da, chế biến thực phẩm, hóa chất - nhựa - cao su...

Nhu cầu nhân lực vào quý 2 từ khoảng 68.600 - 73.500, quý 3 từ 69.450 - 74.400 chỗ làm việc tập trung ở các ngành như công nghệ thông tin - điện tử, cơ khí, hóa chất - nhựa - cao su, kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng...

Đến quý 4, TP dự kiến cần khoảng 71.950 - 77.100 chỗ làm việc, các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động hoàn thành kế hoạch đề ra và tuyển dụng nhân lực phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh phục vụ Tết Nguyên đán.

Nhu cầu nhân lực có xu hướng tăng ở lao động thời vụ, làm việc bán thời gian, tập trung ở các ngành: kinh doanh - thương mại, dịch vụ phục vụ, công nghệ thông tin, cơ khí...

 Ứng biến linh hoạtXoay xở với bài toán việc làm - Kỳ 2: Ứng biến linh hoạt

TTO - Đang làm tại khách sạn 5 sao, tiếp viên hàng không, hướng dẫn viên khách quốc tế "ăn trắng mặc trơn", nhiều người đã phải bươn chải làm tài xế công nghệ, bán nhà đất, làm bánh tại nhà… để vượt qua mùa dịch.

Nguồn bài viết