Xe lai là điểm sáng trong doanh thu đầu năm 2024 của Ford

9 tháng trước 85
Chú thích ảnhDây chuyền sản xuất xe Ford tại nhà máy ở Dearborn, Michigan (Mỹ). Ảnh minh họa: Getty Images/TTXVN

Ford ngày 2/2 cho biết doanh số đã tăng 4,3% trong tháng Một so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, dẫn đầu là mức tăng 43% trong doanh số các dòng xe lai, trong khi doanh số xe chạy bằng động cơ đốt trong truyền thống chỉ tăng 2,6%. Tháng trước, Ford bán được 152.617 chiếc.

Sự tăng mạnh trong doanh thu dòng xe lai nằm trong kế hoạch tập trung vào công nghệ này của Ford. Nhu cầu xe lai đang gia tăng, trong khi các dòng xe điện như xe bán tải F-150 Lightning và và xe crossover Mustang Mach-E lại bán chậm hơn dự đoán.

Doanh số xe Mach-E đã giảm 51% trong tháng đầu năm, trong khi doanh số xe F-150 Lightning giảm gần 0,5%. Ford đang đẩy mạnh sản lượng xe van E-Transit, mẫu xe đã ghi nhận doanh số hơn 1.100 chiếc trong tháng Một, so với mức chưa đến 400 chiếc cùng kỳ năm ngoái.

Dù tập trung vào các dòng xe lai, nhưng 90% doanh số xe tháng trước của Ford lại là các dòng ô tô và xe tải truyền thống. Các dòng xe lai, dẫn đầu là mẫu xe bán tải Ford Maverick, chỉ chiếm 7,3% doanh số. Trong khi đó, với chưa đến 5.000 chiếc được bán ra, các dòng xe điện chỉ chiếm khoảng 3% doanh số tháng Một của Ford.

Đáng chú ý, doanh số dòng xe lãi lớn của Ford là dòng xe bán tải F-Series giảm khoảng 12% trong tháng trước xuống khoảng 48.700 chiếc.

Ford cho biết đang giảm sản xuất xe bán tải chạy điện F-150 Lightning vì dự đoán nhu cầu về xe điện sẽ yếu hơn trong năm 2024.

Nhà sản xuất ô tô này có kế hoạch cắt giảm hoạt động sản xuất tại Trung tâm Xe điện Rouge xuống còn một ca kể từ ngày 1/4. Điều này dự kiến sẽ làm ảnh hưởng đến khoảng 1.400 công nhân, một số phải chuyển sang vai trò khác và một số khác dự kiến sẽ “nghỉ hưu” sớm.

Trong một thông báo, Ford cho biết, hãng này kỳ vọng doanh số bán xe điện toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng vào năm 2024, mặc dù thấp hơn dự đoán. Động thái giảm sản xuất của Ford vì mục tiêu "đạt được sự cân bằng tối ưu giữa sản xuất, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận".

Theo Ford, doanh số bán F-150 Lightning đã tăng 55% vào năm 2023, với dự báo sẽ tăng trưởng hơn nữa trong năm nay. Tuy nhiên, trước đó hãng này đã hạ giá niêm yết gần 10.000 USD cho các mẫu xe cấp thấp.

Do dự báo về tốc độ tăng trưởng xe điện chậm hơn trong những năm tới, ngành công nghiệp ô tô đã rút lại các mục tiêu trước đó.

Người tiêu dùng Mỹ vẫn thận trọng với các phương tiện này, một phần do chi phí, cũng như lo ngại về việc sạc pin trong những chuyến đi dài hơn, cùng với việc mở cơ sở sạc điện quốc gia chậm chạp.

Ngày 19/1, Nhà Trắng đã công bố khoản đầu tư mới trị giá 325 triệu USD, một phần để giúp sửa chữa và thay thế bộ sạc xe điện trên khắp nước Mỹ.

Công ty nghiên cứu ô tô Edmunds dự đoán rằng thị phần xe điện ở Mỹ sẽ chiếm 8% doanh số bán hàng vào năm 2024, tăng từ mức 6,9% vào năm 2023.

Dữ liệu ngành cho thấy các nhà sản xuất ô tô nước ngoài đang tăng cường xuất khẩu từ Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới trong bối cảnh thị phần của các nhà sản xuất ô tô nước ngoài tại nước này đang bị mất dần vào tay các đối thủ địa phương. Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài chiếm hơn 20% tổng lượng xe xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2023, 

Trung Quốc ước tính sẽ vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới trong năm 2023, phần lớn nhờ sự phát triển nhanh chóng của các công ty trong nước như Chery, SAIC, Geely và BYD.

Trong khi đó, số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) cho thấy 18 thương hiệu nước ngoài, dẫn đầu là Tesla, cũng đã xuất khẩu 910.000 ô tô từ Trung Quốc trong năm 2023, chiếm 22% trong tổng số 4,1 triệu ô tô xuất khẩu của Trung Quốc.

Chỉ riêng Tesla đã xuất khẩu 344.000 xe điện từ nhà máy ở Thượng Hải, nhà máy lớn nhất của hãng trên toàn thế giới, sang thị trường châu Á, châu Âu, Australia (Ô-xtrây-li-a) và New Zealand (Niu Di-lân). Ford Motor và General Motors cũng nằm trong tốp những nhà xuất khẩu lớn, với tổng số xe xuất khẩu của các hãng này tăng 21% kể từ năm 2022.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, từ nay đến năm 2027, các nhà sản xuất này đã lên kế hoạch đầu tư 616 tỷ USD vào điện khí hóa, tăng gấp đôi mức phân bổ được dự kiến chỉ hai năm trước. Trên thực tế, thời gian gần đây, nhiều nhà sản xuất đã công bố việc điều chỉnh chiến lược chuyển đổi năng lượng của họ.

Theo ông Dario Duse, Giám đốc điều hành và phụ trách thị trường Italy của công ty tư vấn AlixPartners, “hiện đang diễn ra sự điều chỉnh về kỳ vọng tăng trưởng, trong bối cảnh không chắc chắn của tình hình kinh tế, thực tiễn triển khai các quy định của châu Âu về khí thải, chi phí mua hàng và tiến độ nâng cấp hạ tầng sạc điện”.

Nguồn bài viết