TP.HCM khẩn trương tiêm chủng tại nhà là một trong những hành động để ngăn ngừa Omicron - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trong bản cập nhật dịch tễ học hàng tuần, WHO cho biết kể từ khi xuất hiện vào cuối năm 2021, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã nhanh chóng trở thành biến thể chủ đạo trên toàn cầu.
Hiện biến thể này đã chiếm tới 93% các mẫu xét nghiệm thu thập trong tháng qua. Omicron có các biến thể phụ gồm BA.1, BA.1.1, BA.2 và BA.3. Trong đó, số liệu từ cơ sở dữ liệu GISAID cho thấy BA.1 và BA.1.1 hiện chiếm hơn 96% tổng số mẫu nhiễm Omicron được giải trình tự gene.
Đặc biệt, số ca nhiễm biến thể BA.2, phiên bản "tàng hình" của Omicron do khó bị phát hiện trong các xét nghiệm PCR, đang gia tăng nhanh chóng.
Đến nay, các mẫu giải trình tự gene chứa BA.2 báo cáo lên GISAID đã được ghi nhận ở 57 quốc gia. WHO cho biết tại một số nước, BA.2 đã chiếm tới hơn 50% số mẫu Omicron giải trình tự gene.
Theo WHO, hiện vẫn còn rất ít thông tin về sự khác biệt giữa các dòng phụ của biến thể Omicron và tổ chức này kêu gọi có thêm các nghiên cứu về điều này, bao gồm độc lực, khả năng lây truyền, khả năng né tránh phản ứng miễn dịch.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy rằng BA.2 có khả năng lây nhiễm cao hơn so với Omicron phiên bản gốc (BA.1).
Bà Maria Van Kerkhove, một trong những chuyên gia hàng đầu của WHO về COVID-19, cho biết thông tin về "Omicron tàng hình" rất hạn chế, nhưng một số dữ liệu ban đầu cho thấy BA.2 có "tốc độ tăng nhẹ so với BA.1". Bà cũng nhấn mạnh COVID-19 vẫn là một căn bệnh nguy hiểm và người dân nên cố gắng phòng tránh lây nhiễm.
WHO kêu gọi các nước không dỡ bỏ vội vàng toàn bộ biện pháp chống dịch COVID-19
Ngày 2-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới tiến hành dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt để chống dịch COVID-19 theo cách chậm rãi và từng bước, trong bối cảnh dữ liệu gần đây cho thấy sự tăng mạnh số ca tử vong liên quan vì COVID-19 trên toàn cầu.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết kể từ khi biến thể Omicron lần đầu tiên được xác định chỉ 10 tuần trước, gần 90 triệu ca mắc COVID-19 đã được báo cáo cho WHO, cao hơn con số được báo cáo trong toàn bộ năm 2020.
WHO bắt đầu nhận thấy sự gia tăng rất đáng lo ngại về số ca tử vong ở hầu hết các khu vực của thế giới. Ông nhắc lại mối quan ngại về quan điểm ở một số quốc gia rằng do biến thể Omicron lây lan mạnh và ít gây bệnh nghiêm trọng, việc ngăn ngừa lây lan giờ đây không còn khả thi và cần thiết nữa.
Ông nêu rõ: "(Dịch COVID-19) lây lan nhiều hơn đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều ca tử vong hơn. Chúng tôi không kêu gọi bất kỳ quốc gia nào quay trở lại biện pháp phong tỏa. Nhưng chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia bảo vệ người dân bằng cách sử dụng mọi công cụ, không chỉ riêng vắc xin.
Tổng Giám đốc WHO cảnh báo "còn quá sớm để bất kỳ quốc gia nào đầu hàng hay tuyên bố chiến thắng".
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, bình luận về các thông tin rằng một số quốc gia đã bắt đầu nới lỏng biện pháp các hạn chế được áp đặt để chống dịch COVID-19, bà Van Kerkhove khuyến cáo các nước cần thận trọng bởi nhiều quốc gia vẫn chưa trải qua giai đoạn làn sóng lây nhiễm Omicron đạt đỉnh, nhấn mạnh "hiện chưa phải lúc để dỡ bỏ tất cả mọi biện pháp chống dịch cùng một lúc".
Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của WHO, nhấn mạnh rằng các quốc gia nên vạch ra lộ trình của riêng mình trong việc dỡ bỏ các biện pháp tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh của mỗi nước thay vì chỉ làm theo những gì các quốc gia khác đang làm.