Tiêm vắc xin đậu mùa khỉ tại Canada - Ảnh: REUTERS
"Tôi vô cùng lo ngại về bùng phát bệnh đậu mùa khỉ. Đây rõ ràng là mối đe dọa sức khỏe mà chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ", ông Tedros phát biểu ngày 25-6.
Trong một tuyên bố riêng, WHO nói dù nội bộ có quan điểm khác nhau nhưng tổ chức này đã nhất trí ở giai đoạn này, đợt bùng phát đậu mùa khỉ chưa phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu (PHEIC) - mức độ cảnh báo cao nhất mà WHO có thể ban bố.
Nhãn "tình trạng khẩn cấp toàn cầu" hiện chỉ áp dụng cho đại dịch COVID-19 và những nỗ lực không ngừng nhằm xóa sổ bệnh bại liệt.
Theo WHO, có hơn 3.200 trường hợp xác nhận mắc đậu mùa khỉ và một trường hợp tử vong trong 6 tuần qua ở 48 quốc gia, nơi căn bệnh này không phổ biến.
Cho tới nay, có gần 1.500 trường hợp mắc đậu mùa khỉ và 70 ca tử vong ở Trung Phi, nơi căn bệnh này được xem là bệnh đặc hữu. Ca bệnh tập trung chủ yếu ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Theo Hãng tin Reuters, đậu mùa khỉ là một căn bệnh do virus gây ra, có triệu chứng giống cúm và gây ra các tổn thương trên da. Đậu mùa khỉ đã và đang lây lan phần lớn ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới tại các quốc gia không phổ biến căn bệnh này.
Hiện đã có sẵn vắc xin và phương pháp điều trị cho đậu mùa khỉ, dù nguồn cung của vắc xin còn hạn chế.
Ông Gregg Gonsalves, phó giáo sư dịch tễ học tại Đại học Yale (Mỹ) và cũng là cố vấn của WHO, trao đổi với Hãng tin Reuters rằng ông cho rằng quyết định của WHO là "sai lầm".
Theo ông Gonsalves, đợt bùng phát đậu mùa khỉ đã đáp ứng các tiêu chí để được công bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, nhưng WHO đã không đưa ra quyết định.
Một số chuyên gia y tế toàn cầu cho biết WHO có thể đã do dự vì khi tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu vào tháng 1-2020, tổ chức này vấp phải nhiều hoài nghi.