Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới - Ảnh: REUTERS
Đây là lời kêu gọi mạnh mẽ nhất của WHO trong bối cảnh sự chênh lệch trong tỉ lệ tiêm ngừa giữa các nước giàu và nghèo ngày càng lớn.
"Tôi hiểu lo lắng của tất cả chính phủ muốn bảo vệ người dân khỏi biến thể Delta. Nhưng chúng ta không thể chấp nhận việc những quốc gia đã sử dụng hầu hết nguồn cung vắc xin toàn cầu lại sử dụng nhiều thêm nữa" - Hãng tin Reuters dẫn lời ông Tedros ngày 4-8.
Lãnh đạo WHO kêu gọi các nước hoãn tiêm liều bổ sung ít nhất đến cuối tháng 9-2021 để đảm bảo mọi quốc gia tiêm ngừa cho tối thiểu 10% dân số. "Để làm được điều đó, chúng ta cần sự hợp tác của mọi người, đặc biệt là vài quốc gia và công ty đang kiểm soát nguồn cung vắc xin toàn cầu" - ông Tedros nhấn mạnh.
Theo WHO, các nước thu nhập cao phân phối được 50 liều vắc xin cho mỗi 100 người dân vào tháng 5-2021 và con số này đến nay đã tăng gấp đôi. Còn các nước thu nhập thấp chỉ phân phối được 1,5 liều cho mỗi 100 người dân.
Người dân chờ tiêm ngừa COVID-19 tại Indonesia ngày 3-8 - Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, nhiều nước đã bắt đầu hoặc đang cân nhắc việc tiêm liều bổ sung mà thường được gọi là "liều thứ ba".
Hồi đầu tuần này, Chính phủ Đức thông báo sẽ tiêm bổ sung vắc xin ngừa COVID-19 cho những người dễ bị tổn thương từ tháng 9-2021. Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng sẽ tiêm liều bổ sung 3 tháng sau liều thứ 2 đối với nhóm có nguy cơ cao và 6 tháng với nhóm còn lại.
Tổng thống Israel Isaac Herzog tuần trước cũng đã tiêm liều vắc xin bổ sung, mở đầu cho chiến dịch tiêm liều thứ 3 cho người trên 60 tuổi ở nước này.
Tháng trước, Mỹ đã đặt mua 200 triệu liều vắc xin của Pfizer để tiêm phòng cho trẻ em và tiêm liều bổ sung nếu cần thiết. Cơ quan y tế Mỹ vẫn đang cân nhắc việc tiêm nhắc lại.