'Vững tay chèo' trong đại dịch

2 năm trước 444
Vững tay chèo trong đại dịch - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Duy Xuân Bách (bìa trái) tặng sản phẩm máy đo thân nhiệt Combros Sentinel cho Trường THPT Marie Curie - Ảnh: NVCC

Trong rất nhiều khó khăn ấy, nổi bật lên là câu chuyện của những giám đốc trẻ 8X, 9X đã vận dụng hết khả năng và sức lực để chèo lái doanh nghiệp qua "cơn bão" COVID-19. Họ xắn tay vào làm bất cứ công việc gì và học hỏi từng chút từ những trải nghiệm đặc biệt này.

"Làm khởi nghiệp, năm nào cũng có sóng, có điều năm nay sóng to và phức tạp hơn. Mình quen rồi, lựa chọn con đường này mình không còn sợ nữa.

ĐỖ HỮU TÂN

Những giám đốc "đa năng"

Ngay từ đợt dịch đầu tiên, khoảng tháng 4-2020, Công ty cổ phần Giải pháp đóng gói Magix của giám đốc 8X Đỗ Hữu Tân đã giảm 20 - 30% nhân sự. Một số nhân viên thuộc diện F2 hay sống trong khu phong tỏa buộc phải cách ly tại nhà, vài người khác xin nghỉ việc để về quê. Khi nhân sự thiếu hụt, những người ở vị trí quản lý phải thay nhau làm các công việc của nhân viên, từ những việc thuần tay chân như đóng hàng, giao hàng đến chăm sóc khách hàng, tư vấn, chốt đơn, xây dựng dữ liệu...

"Ngày nào tôi cũng làm việc từ 10 - 12 tiếng. Áp lực là có nhưng áp lực lớn nhất là không thể trả lương cho nhân viên, không có hàng để giao cho khách. Từ những áp lực đó, lại vô tình tạo ra động lực để mình xắn tay vào làm mọi việc", vị giám đốc 8X trải lòng.

Tương tự như anh Tân, với Jo Lâm, nữ giám đốc 9X của Công ty TNHH Jo Lam sản xuất nhãn hàng thời trang và hàng tiêu dùng phong cách sống, cũng cắt giảm 20 - 30% nhân sự ngay từ đợt dịch năm 2020. Đến đợt dịch năm 2021, công ty phải tiếp tục cắt giảm nhân viên bán hàng bởi giãn cách xã hội khiến các cửa hàng đóng cửa trong nhiều tháng. Nhân sự văn phòng của công ty phải áp dụng cắt giảm chi phí.

"Giai đoạn này, ở vai trò chủ doanh nghiệp, càng phải dồn 200 - 300% thời gian và công suất để nỗ lực nhiều hơn, lăn xả, gánh vác, trực tiếp nhúng tay vào các phần việc lớn bé của các bộ phận từ R&D, sản xuất, marketing, bán hàng", cô nói.

Ngày trước thay vì chỉ đưa ra kế hoạch của tháng, của quý thì giờ đây, Jo Lâm phải linh hoạt chạy kế hoạch cho từng tuần và có những việc tính theo ngày. Cửa hàng tại Hà Nội cắt giảm nhân sự bán hàng bán thời gian, nên các quản lý phải "cân" luôn những việc hằng ngày của nhân viên để đảm bảo duy trì hoạt động. Có những ngày Jo ở lại công ty đến tối khuya để hoàn thành công việc.

Còn với anh Nguyễn Duy Xuân Bách, giám đốc 8X của Công ty TNHH công nghệ Combros chuyên thiết kế, chế tạo các sản phẩm điện tử thông minh, tự động hóa, tình hình dịch bệnh đã khiến doanh nghiệp cắt giảm 1/3 nhân sự so với đầu năm 2021.

"Giai đoạn này buộc chúng tôi phải dừng các dự án mang tính đầu tư, dự án tiềm năng, tập trung nhiều vào các dự án tạo ra doanh thu trước mắt. Trong quá trình điều hành công ty tôi vẫn thường xuyên xử lý các công việc về lập trình, kiểm tra nguyên lý hoạt động của mạch điện. Tuy nhiên, hiện tại thì số lượng các công việc này tăng gấp đôi", anh Bách cho biết.

Vững tay chèo trong đại dịch - Ảnh 3.

Jo Lâm - Ảnh: NVCC

Thử thách và cơ hội

Đều từng đi qua hành trình khởi nghiệp, cả ba giám đốc trẻ nói họ may mắn một phần vì đã quen với khối lượng công việc nhiều và kiêm nhiệm nhiều vai trò.

Với những người trẻ này, mỗi thử thách đều là một cơ hội. Việc sụt giảm nhân sự khiến họ phải choàng gánh nhiệm vụ, lại trở thành cơ hội để họ hiểu được những khó khăn trong công việc của nhân viên, là dịp để họ phát triển bản thân, tự rèn luyện khả năng chịu đựng áp lực và linh hoạt xử lý tình huống.

"Khi làm công việc đóng gói, tôi mới biết nhân viên vướng chỗ nào, lắng nghe được những khó khăn của họ - những thứ nếu chỉ quan sát ở vị trí giám đốc có thể sẽ không nhận ra, hay quy trình nào cần cải tiến", người đứng đầu Công ty Magix chia sẻ.

Chia sẻ về cách để lèo lái doanh nghiệp vượt "sóng dữ", anh Xuân Bách cho rằng đây là giai đoạn không nên kén việc, việc gì làm được thì đều nên làm, trong đó lấy sự đoàn kết của toàn thể nhân viên làm trọng tâm. Theo anh Bách, cần đề ra các mục tiêu ngắn hạn và cụ thể, các mục tiêu theo tuần, theo tháng, giúp tập trung xử lý công việc tốt hơn.

Trong khi đó, với Jo Lâm, khi một mình liên tục "thay rất nhiều đôi giày" để kiêm nhiệm vai trò của nhân sự công ty, cô phải liên tục đặt câu hỏi phản biện, tính toán cả bài toán ngắn hạn lẫn dài hạn. Bên cạnh đó, nữ giám đốc 9X cũng học cách yêu quý bản thân hơn - một cách để tự "sạc" năng lượng cho hành trình dài đầy thử thách.

"Tôi luôn ưu tiên tìm giải pháp trước, học cách quản lý thời gian. Mỗi buổi sáng, thay vì lao vào công việc hay ngồi suốt trên máy tính, tôi luôn dành khoảng thời gian cho bản thân, có cách xử lý căng thẳng và điều phối năng lượng. Những lúc như thế này càng phải ăn uống đàng hoàng hơn, thi thoảng thư giãn, vẽ tranh, xem phim. Cơ thể và tinh thần phải khỏe thì mới có thể chiến đấu"tốt", cô cười.

Vững tay chèo trong đại dịch - Ảnh 4.

Anh Đỗ Hữu Tân - Ảnh: NVCC

Hãy vững tin!

Với Xuân Bách, anh luôn quan niệm "bình tĩnh mà sống". Lúc dầu sôi lửa bỏng, anh nói sự bình tĩnh giúp đưa ra những phán đoán, hành động hợp lý, ít thiệt hại nhất. Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm từ các tình huống ấy.

Còn Jo Lâm quan niệm thành công bắt đầu từ việc không bao giờ bỏ cuộc từng ngày và luôn tin vào bản thân mình. "Miễn đam mê và niềm tin vào những gì mình ấp ủ vẫn còn thì ngày quay trở lại đường đua luôn có. Đừng sợ hãi gì", cô nói.

Giám đốc Công ty Magix, anh Đỗ Hữu Tân, nhấn mạnh: "Ai cũng đang nỗ lực, từ người dân đến chính phủ, hà cớ gì chúng ta làm doanh nghiệp mà lại không nỗ lực? Phải lạc quan, có niềm tin ở chính bản thân mình, ở nhân viên, ở chính phủ. Đừng từ bỏ. Hãy vững tin!".

Nào ta cùng trang trí đồ bảo hộ chống dịch!Nào ta cùng trang trí đồ bảo hộ chống dịch!

TTO - Trang phục bảo hộ màu xanh, màu trắng trở thành nơi để các bạn thỏa sức sáng tạo với những nét vẽ ngộ nghĩnh, đáng yêu và mang tính cổ động tinh thần tích cực.

Nguồn bài viết