Huy chương giải Nobel - Ảnh: AP
Thông tin "Việt Nam hụt cơ hội đề cử giải Nobel văn chương vì... thư đến trễ" đang nhận được nhiều sự quan tâm.
Cụ thể, Ủy ban Nobel đã gửi thư cho chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - đề nghị ông đề cử tác giả Việt Nam để xét giải Nobel văn chương năm 2022.
Tuy nhiên, đáng tiếc do trục trặc khi thư gửi đi từ Thụy Điển, nên mãi tới ngày 17-2 thư mới tới tay chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khi thời hạn đề cử đã qua.
Vậy quy trình đề cử rốt cuộc ra sao? Có khó không?
Trước hết, ai là người đủ tư cách đề cử?
Theo quy trình đề cử và lựa chọn cho giải Nobel văn chương, Ủy ban Nobel văn chương sẽ gửi thư mời đến những người đủ tư cách để đề cử ứng viên. Có 4 nhóm có quyền gửi đề xuất cho giải Nobel văn chương, gồm:
- Các thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển và các viện hàn lâm khác, hay tổ chức và các hội tương tự về mặt xây dựng và mục đích.
- Giáo sư văn học và ngôn ngữ học tại các trường đại học và cao đẳng.
- Những người từng đoạt giải Nobel văn chương.
- Chủ tịch hội nhà văn đại diện cho sáng tác văn học ở các quốc gia của họ.
Các ứng cử viên đủ điều kiện để được xem xét trao giải Nobel văn chương là những người được đề cử bởi những người đủ tư cách - những người đã nhận được thư mời từ Ủy ban Nobel để gửi tên ứng viên muốn được xem xét. Không ai có thể tự đề cử mình.
Điểm đáng chú ý: Những người khác đủ tư cách đề cử nhưng không nhận được thư mời cũng có thể gửi đề cử.
Giới quan sát cho rằng nếu như vậy, những năm qua chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có thể đề cử ứng viên cho giải Nobel văn chương mà không cần đợi nhận thư mời từ Ủy ban Nobel.
Quy trình lựa chọn người đoạt giải Nobel văn chương như thế nào?
Dưới đây là phần mô tả ngắn gọn về quy trình lựa chọn người đoạt giải Nobel văn chương:
Tháng 9: Thư mời được gửi đi. Ủy ban Nobel gửi mẫu đơn đề cử cho hàng trăm cá nhân và tổ chức đủ tư cách để đề cử cho giải Nobel văn chương.
Tháng 2 của năm tiếp theo: Hạn nộp hồ sơ. Các mẫu đơn đã hoàn tất phải đến được Ủy ban Nobel không muộn hơn ngày 31-1. Sau đó ủy ban này sẽ sàng lọc các đề cử và trình danh sách để Viện Hàn lâm Thụy Điển phê duyệt.
Tháng 4: Các ứng viên sơ bộ. Sau khi nghiên cứu, Ủy ban Nobel chọn 15 - 20 ứng viên để Viện hàn lâm xem xét trở thành ứng viên sơ bộ.
Tháng 5: Các ứng cử viên cuối cùng. Ủy ban Nobel sẽ rút gọn danh sách xuống còn 5 ứng cử viên ưu tiên để được Viện hàn lâm xem xét.
Quy trình chọn những người đoạt giải Nobel văn chương - Đồ họa: THE NOBEL PRIZE
Từ tháng 6 tới tháng 8: Đọc các tác phẩm. Các thành viên của Viện hàn lâm đọc và đánh giá tác phẩm của các ứng viên cuối cùng trong mùa hè. Ủy ban Nobel cũng chuẩn bị các báo cáo cá nhân.
Tháng 9: Các thành viên Viện hàn lâm hội ý. Sau khi đọc tác phẩm của các ứng viên cuối cùng, các thành viên Viện hàn lâm thảo luận về giá trị đóng góp của các ứng viên.
Tháng 10: Người đoạt giải Nobel được chọn. Vào đầu tháng 10, Viện hàn lâm chọn người đoạt giải Nobel văn chương. Một ứng cử viên phải nhận được hơn một nửa số phiếu bầu. Sau đó, tên của người đoạt giải Nobel được công bố.
Tháng 12: Người đoạt giải Nobel văn chương và các giải khác nhận giải thưởng. Lễ trao giải Nobel diễn ra vào ngày 10-12 tại Stockholm (Thụy Điển), nơi những người đoạt giải Nobel nhận giải thưởng, bao gồm một huy chương, một bằng chứng nhận cùng một khoản tiền thưởng.
Viện Hàn lâm Thụy Điển là nơi chịu trách nhiệm lựa chọn những người đoạt giải Nobel văn chương, và viện này có 18 thành viên. Ủy ban Nobel văn chương là cơ quan đánh giá các đề cử và trình các đề xuất lên Viện Hàn lâm Thụy Điển.
Quỹ Nobel hạn chế tiết lộ thông tin về các đề cử, dù công khai hay riêng tư, trong 50 năm. Việc hạn chế như vậy liên quan đến những người đề cử và người được đề cử, cũng như các cuộc điều tra và ý kiến về việc trao giải.
Tuy nhiên, thực tế đã có nhiều người đề cử tự tiết lộ các nhân vật đã được họ đề cử cho giải Nobel.
Chẳng hạn đầu tháng 2-2021, ông Jaak Madison, một thành viên người Estonia tại Nghị viện châu Âu, thông báo trên Facebook rằng ông đã đề cử cựu tổng thống Mỹ Donald Trump cho giải Nobel hòa bình.
Nghị sĩ Na Uy Christian Tybring-Gjedde cũng tiết lộ từng đề cử ông Trump cho giải Nobel hòa bình.