Hạt điều thô trên cây tại nhà vườn ở tỉnh Bình Phước - Ảnh: N.TRÍ
Chiều 13-3, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, trong báo cáo gửi đến Thủ tướng về vụ việc một số doanh nghiệp có dấu hiệu bị lừa khi xuất hàng sang Ý đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và Interpol Việt Nam trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.
Vinacas cũng đề nghị các bộ, ngành và Văn phòng Interpol Việt Nam, bằng những biện pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý thành công vụ việc với mục tiêu giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng; không giải phóng hàng cho người nhận ngay cả trong trường hợp họ trình vận đơn gốc, cho phép các doanh nghiệp Việt Nam được nhận lại hàng.
"Có dấu hiệu tổ chức tội phạm lừa đảo nên vụ việc cần cơ quan tòa án và Interpol vào cuộc. Trong thời gian tới, doanh nghiệp rất cần cơ quan liên quan, ngoại giao Việt Nam hỗ trợ để cảnh sát Ý tiếp tục niêm phong các container điều còn lại, và thuận lợi trong việc lấy hàng trở lại", ông Trần Hữu Hậu - phó tổng thư ký Vinacas - thông tin.
Theo Vinacas, theo thông tin được biết, hiện có 5 container cập cảng đã được cảnh sát Ý phong tỏa, và cả hệ thống cảng của quốc gia này đã được báo động về vụ việc này.
Có 4 hãng tàu liên quan đến vụ việc là Cosco, Yangming, HMM, One. Vinacas cũng đã gửi thư đến các hãng đề nghị áp dụng biện pháp "khẩn cấp" tạm thời giữ các container hàng đã và đang trên đường đến các cảng của Ý. Đồng thời, họ mong muốn các hãng tàu hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp chủ hàng thủ tục cần làm để được hoàn trả hàng trong trường hợp người bán không nhận được thanh toán từ ngân hàng của người mua.
Trước đó, từ tháng 2, thông qua công ty môi giới Kim Hạnh Việt, 5 doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu điều sang Ý với tổng số lượng gần 100 container cho nhiều khách hàng. Tuy nhiên, phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường nên doanh nghiệp đã tìm cách ngăn chặn các lô hàng. Mặc dù vậy, vẫn có 36 container, giá trị hơn 7 triệu USD đã và đang đến các cảng của Ý trong tháng 3, trong khi doanh nghiệp và ngân hàng Việt Nam bị mất quyền kiểm soát các bộ chứng từ gốc của lô hàng và đến hiện nay vẫn chưa tìm lại được.