Vợ chồng 'Robinson' ở Rú Chá

2 năm trước 151
Vợ chồng Robinson ở Rú Chá - Ảnh 1.

Vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đáp và bà Trần Thị Hồng - những người được người dân yêu quý đặt biệt danh là “Robinson” xứ Huế giữa Rú Chá - Ảnh: NHẬT LINH

Rú Chá là khu rừng ngập mặn tuyệt đẹp ở TP Huế thuộc xã Hương Phong. Giữa khu rừng có một đôi vợ chồng già đã dành hơn 36 năm cuộc đời để gìn giữ từng nhành cây, ngọn lá ở khu rừng tuyệt sắc này.

Hết lòng bảo vệ khu rừng

Rú Chá một chiều cuối thu đẹp mê hồn. Từng mảnh xanh của cây giá - loài cây thuộc họ thầu dầu mọc chủ đạo trên khu rừng ngập mặn - dần đổi sang màu úa vàng khiến khung cảnh nơi đây phảng phất nét ma mị. Con đường bê tông rợp bóng cây xanh chạy xuyên dưới tán rừng dẫn lối đến căn nhà duy nhất ở nơi này nằm giữa một "ốc đảo" nhỏ. Đó là căn nhà của vợ chồng ông Đáp và bà Hồng.

Thấy khách đến chơi, ông Đáp đang nằm giữa nhà cố ngồi dậy và tỏ vẻ niềm nở dù quầng mắt trũng sâu đủ để người đối diện biết rằng ông đang ốm.

"Ở cái tuổi này rồi, mỗi lần trái gió trở trời là tôi lại lên cơn đau vì vết thương cũ từ thời chiến. Cũng nhờ trời thương nên vẫn còn sức để đi bủa lưới bắt con cá, con cua và bảo vệ khu rừng này", ông Đáp nói.

Từ căn nhà không có cửa, người đàn ông ngoài thập tuần chau mày nhìn ra phía hồ nước trước mặt và nhớ lại quá khứ về 36 năm trước - ngày mà ông quyết định rời làng xóm láng giềng để cùng vợ con ra Rú Chá sinh sống.

"Thời nớ khó khăn, con cái lại đông nên tui quyết định ra Rú Chá đặt nò bắt cá cua. Lúc đó cá cua, chim chóc ở rú còn nhiều lắm chứ không ít ỏi như bây giờ", ông Đáp kể.

Ngày đầu ra khai hoang hòn đảo nhỏ giữa rú, cuộc sống của hai vợ chồng ông Đáp khổ trăm bề. Không có điện, không có nước sạch, không hàng xóm láng giềng, đường đi thì cách trở nên cả hai phải tựa vào nhau mà sống. 

Bắt được con cá, con cua thì bà Hồng đều đem vào làng cách đó vài cây số đổi gạo. Chính thiên nhiên trù phú ở Rú Chá thuở bấy giờ đã giúp vợ chồng "Robinson" xứ Huế này đắp đổi qua ngày và nuôi 10 người con trưởng thành.

Để đền đáp lại ân tình của mẹ thiên nhiên, ông Đáp đã tình nguyện trở thành người bảo vệ của khu rừng.

Thở hắt một hơi dài, ông Đáp kể rằng những năm 80 của thế kỷ trước, người dân cả nước còn nghèo. Thức ăn chủ yếu trên mâm cơm mỗi gia đình ở vùng miệt biển Hương Phong bận đó là củ sắn.

"Muốn đun củ sắn cho nhừ thì phải có lửa lớn. Mà cây giá ở rú này có chất nhựa, lửa cháy lâu tàn nên người dân thi nhau đến đây chặt về làm củi đun. Thấy cây giá bị chặt hạ bừa bãi tui xót lắm. Thế là thấy ai chặt cây là tui chạy ra can, làm dữ để không cho họ chặt. Tui chỉ cho họ nhặt những cành cây khô bị rớt rụng. Nhờ vậy mới có khu rừng ngập mặn cuối cùng trên phá Tam Giang hôm nay", ông Đáp kể.

Cuộc sống cứ thế trôi qua, rồi ngày nọ ông Đáp bỗng giật thót mình khi một tiếng súng chát chúa nổ vang xé toạc không gian yên tĩnh ở Rú Chá. Ông Đáp, bà Hồng tất tả chạy ra thì thấy hai thanh niên đi xe máy, trên vai còn khoác một khẩu súng. Họ nói rằng nghe Rú Chá có nhiều loài chim như cò, gà nước… nên đến đây để thỏa thú săn bắn. 

"Tui nói là không được bắn chim ở đây, chính quyền đã có lệnh cấm. Mấy chú mà còn cố tình bắn là tui gọi điện cho công an. Họ nghe xong thì bỏ đi", ông Đáp kể.

Bán câu chuyện của mình

Rú Chá là khu rừng ngập mặn duy nhất còn sót lại trên hệ thống đầm phá lớn nhất Đông Nam Á - phá Tam Giang với diện tích hơn 10ha. Nơi đây hiện nay có hệ động thực vật khá phong phú với các loài đặc sản nức tiếng của đầm phá như cua nước lợ, cá dìa, cá thệ…

Điểm nhấn của Rú Chá phải kể đến hệ thống cảnh quan với hàng ngàn cây giá mọc san sát nhau. Đến cuối thu vào mùa cây thay lá, cảnh vật ở đây mang một nét huyền ảo thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước đến đây check-in.

Chính quyền TP Huế thời gian gần đây cũng đã đẩy mạnh phát triển du lịch ở Rú Chá bằng việc đầu tư xây dựng hệ thống đường sá, tổ chức hàng loạt cuộc thi ảnh quảng bá… Và vợ chồng ông Đáp cũng không nằm ngoài việc phát triển này. Ngoài việc đặt nò, giăng lưới bắt cá tôm đem ra chợ bán, ông Đáp còn mở thêm dịch vụ bán nước giải khát và nấu cơm cho các nhóm khách du lịch có nhu cầu. 

Du khách muốn thưởng thức đặc sản phá Tam Giang thì phải gọi điện đặt trước. Hai vợ chồng già sẽ tự đi đặt nò lưới trong Rú Chá rồi nấu cho khách thưởng thức. "Làm du lịch như vậy có thêm tiền chi trả cuộc sống. Hai vợ chồng già rồi, lại sống một mình giữa rú nên thi thoảng có khách đến chơi như vậy cũng vui", bà Hồng nói.

Không chỉ phục vụ khách du lịch bữa ăn, ông Đáp còn lấy chính câu chuyện của hai vợ chồng sống 36 năm ở Rú Chá này để kể tường tận cho khách du lịch nghe. Nào là chuyện ông bảo vệ khu rừng, chuyện tay lưới của ông dính phải con cá khủng to hơn bắp chân người lớn, rồi cả những câu chuyện mang yếu tố huyền hoặc về điện thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na - ngôi điện duy nhất ở khu rừng… 

Bằng kinh nghiệm cả một đời người, ông Đáp như là hướng dẫn viên kể cho du khách thập phương nghe về Rú Chá, để họ yêu hơn những gì nơi đây được mẹ thiên nhiên ban tặng và cùng chung tay gìn giữ nó cho mai sau.

Cộng tác viên đắc lực của kiểm lâm

Chị Hoàng Thị Kim Quy - kiểm lâm viên thuộc Hạt kiểm lâm TP Huế - cho biết vợ chồng ông Đáp, bà Hồng như là một cộng tác viên đắc lực trong việc giữ rừng ở Rú Chá.

Là người chịu trách nhiệm bảo vệ khu rừng ngập mặn ở Rú Chá, chị Quy nói rằng không phải khi nào kiểm lâm cũng có thể túc trực 24/24 ở khu rừng.

"Có vợ chồng bác Đáp, tôi yên tâm hơn hẳn. Có chuyện gì hay có dấu hiệu ai đó phá rừng là bác đều gọi ngay cho tôi và lực lượng địa phương để ngăn chặn. Nhờ có vợ chồng bác Đáp mà cánh rừng ở Rú Chá ngày một phát triển", chị Quy nói.

Cô hướng dẫn viên đặc biệt ở rừng ngập mặn Rú CháCô hướng dẫn viên đặc biệt ở rừng ngập mặn Rú Chá

TTO - Thấy nhóm du khách luống tuổi đang tìm đường vào rừng, Quý bước tới, "xin" được dẫn du khách vào lõi khu rừng ngập mặn.

Nguồn bài viết