Với chuỗi đô thị Cần Giờ, TP.HCM kỳ vọng là cực kinh tế biển lớn nhất nước

1 năm trước 129
Với chuỗi đô thị Cần Giờ, TP.HCM kỳ vọng là cực kinh tế biển lớn nhất nước - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đô thị toàn quốc - Ảnh: VGP

Sáng nay 30-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đô thị toàn quốc, phổ biến nghị quyết số 148 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Hội nghị do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Bộ Xây dựng tổ chức, được truyền trực tuyến tới các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng mục tiêu của hội nghị này là nhằm tiếp tục quán triệt sâu rộng những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm và tinh thần quan trọng của nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị và phổ biến Chương trình hành động của Chính phủ. 

Theo Thủ tướng, phát triển đô thị là một động lực phát triển; điều này đặt ra vấn đề quy hoạch tốt, xây dựng tốt, quản lý tốt đô thị, phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững, bao trùm.

Để thực hiện hiệu quả nghị quyết và chương trình hành động, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng cần sớm xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng quy hoạch gắn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu…

"Cần xác định rõ khâu quyết định, tạo nên sự đột phá, thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị hiệu quả, bền vững là nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và tổ chức quản lý có hiệu quả" - ông Tuấn Anh nhấn mạnh việc phát triển đô thị phải đảm bảo tính bền vững và đồng bộ về mạng lưới. 

Với chuỗi đô thị Cần Giờ, TP.HCM kỳ vọng là cực kinh tế biển lớn nhất nước - Ảnh 2.

Chính phủ ban hành nghị quyết 148 về Chương trình hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam - Ảnh: VGP

Trong bài tham luận với chủ đề "Định hướng phát triển đô thị TP.HCM vươn tầm khu vực và thế giới" của UBND TP.HCM cũng chỉ ra thực tiễn, kinh tế TP.HCM có tiềm năng trong phát triển kinh tế biển khi thành phố chiếm hơn 37% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các địa phương ven biển, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm hơn 25% tổng FDI các tỉnh, thành ven biển và gần 11% cả nước.

"TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành một cực kinh tế biển lớn nhất Việt Nam - điểm đến quan trọng mang tầm vóc quốc tế trong mạng lưới chuỗi đô thị biển khu vực Đông Nam Á thông qua phát triển chuỗi đô thị - kinh tế biển xanh gắn với khu vực biển Cần Giờ" - tham luận nêu rõ. 

Tuy vậy, tham luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra việc Việt Nam sẽ chịu nhiều rủi ro và nguy cơ từ biến đổi khí hậu, nên sẽ tác động tới các vùng châu thổ và đô thị lớn, đặc biệt là đô thị ven biển. Nếu nước biển dâng 100cm, ĐBSCL có thể ngập tới trên 47,29% diện tích, trong đó có 17,15% diện tích TP.HCM bị ngập. 

Vì vậy, bộ này cho rằng công tác quy hoạch, phát triển đô thị tại Việt Nam cần có những thay đổi căn bản để phát triển kinh tế - xã hội, vừa thích ứng với các tác động tiêu cực biến đổi khí hậu và thực hiện trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính. 

Báo cáo về Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay chương trình đã cụ thể hóa bằng 5 nhiệm vụ chủ yếu và 33 nhiệm vụ cụ thể. Bao gồm: Thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam, nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững.

Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng các nhiệm vụ, đề án chuyên ngành và xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.

 ‘Quy hoạch đô thị vẫn còn quá lãng mạn, thích là điều chỉnh’Chuyên gia: ‘Quy hoạch đô thị vẫn còn quá lãng mạn, thích là điều chỉnh’

TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về câu chuyện ‘điều chỉnh quy hoạch ở các khu đô thị còn tùy tiện, chuyên gia cho rằng dù phải đi trước một bước tuy nhiên ‘quy hoạch đô thị ở các thành phố lớn hiện nay vẫn còn quá lãng mạn’.

Nguồn bài viết