Ông Hậu và cô giáo Nguyễn Xuân Hương - người đã dạy ông ôn thi đại học - Ảnh: X.H.
Cô Nguyễn Xuân Hương viết cho tôi mấy chữ và dặn rằng nếu việc được học miễn phí mà nặng nề quá thì đừng mang ơn cô, hãy đi giúp người khác một khi có thể. Câu nói đó sẽ theo tôi suốt cuộc đời.
Luật sư LÊ XUÂN HẬU
Một ngày tháng 10, email của tôi nhận được một thư mới: "Xin chào anh, tôi là Lê Xuân Hậu - một luật sư tại TP.HCM. Tôi muốn có thông tin để giúp đỡ một học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ tại Quảng Nam".
Một món quà gieo mầm hy vọng
Câu chuyện mà luật sư Hậu quan tâm là mẩu chuyện kể về cô học trò Huỳnh Ngô Khánh Đoan - tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM. Nhà của Đoan ở TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Luật sư Hậu cho biết ông thấy một phần hình ảnh chênh vênh, mông lung về tương lai của mình khi đọc trên báo câu chuyện học hành đầy trắc trở và buồn đau của Khánh Đoan.
Đoan từng có một gia đình yên ấm, nhưng thảm kịch đã ập đến rất nhanh với cô học trò này chỉ trong vòng 1 năm học cuối cấp III. Mẹ và ba lần lượt qua đời, Đoan phải nín khóc, khép cửa ngôi nhà từng là tổ ấm nhỏ để ôm sách vở, quần áo qua ở nhà cậu ruột. Khổ đau không làm cô học trò mong manh này ngã gục, Đoan mạnh mẽ học giỏi, vào đại học với điểm số cao.
Tin vào một tương lai tốt đẹp của cô học trò nghị lực, luật sư Lê Xuân Hậu đã trực tiếp liên lạc với Khánh Đoan để hỏi nhu cầu học tập của Đoan một khi vào TP.HCM nhập học. Sau khi biết Đoan, vị luật sư này còn đề nghị chúng tôi giới thiệu để có thể giúp đỡ thêm nhiều em khác.
Ngày 13-10, chúng tôi nhận được một cuộc điện thoại từ TP.HCM. Người gọi lại là luật sư Hậu. Ông nói rằng đang có một cô học trò mới đậu vào Trường ĐH Ngoại ngữ Huế và là con gái duy nhất của một người mẹ đơn thân, liệt một chân tại xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Nhiều năm nay, cô con gái ấy và người mẹ chỉ gặp nhau một vài lần dịp tết, ngày lễ. Thời gian còn lại thì phải xa nhau, cô con gái ở trong một ngôi nhà thưng bằng gạch, tự nấu ăn, tự học hành, tự lo liệu mọi việc từ năm 10 tuổi. Người mẹ đẩy xe lăn ngược xuôi ở thành phố để bán vé số, bán những lọn trái cây.
Ông Hậu nói với những trường hợp này, nếu vì một lý do nào đó mà các cháu không được giúp thì ông mãi áy náy khi đã bỏ sót một cơ hội gieo mầm hy vọng về tương lai học hành một con người. Và ông đã quyết định giúp.
Chúng tôi nhận được lời đề nghị của luật sư Hậu để dẫn cô học trò này ra phố. Ông Hậu sau nhiều lúc suy nghĩ đã quyết định tặng cho cô bé này một món quà đặc biệt: một máy tính xách tay trị giá 10 triệu đồng để cô có thể học trực tuyến.
Nhá nhem tối, trong màn mưa kín trời, cô học trò may mắn cùng người mẹ lết từng bước chân nặng nhọc đi hết các tiệm máy tính ở TP Đà Nẵng để chọn "quà" từ vị luật sư không quen biết.
"Máy tính rất đẹp và thơm mùi mới. Cả đêm hai mẹ con nằm ở phòng trọ thức trắng đêm để "coi" cái máy. Tháng trước tui và con đã đi xem rồi nhưng thấy máy đắt quá, tới trên 10 triệu đồng, nên dù con thích cũng đành lòng quay về vì không mượn được tiền" - người mẹ nói.
Chiếc laptop trị giá 9,9 triệu đồng mà ông Hậu gửi tặng Nguyễn Thị Tú Kiều - tân sinh viên khó khăn tại Trường ĐH Ngoại ngữ Huế - Ảnh: B.D.
"Không cần trả ơn, hãy giúp người khác khi có thể"
Sau khi tặng máy tính cho cô học trò Quảng Nam, luật sư Lê Xuân Hậu tiếp tục tìm kiếm các gương mặt học sinh, sinh viên ở khắp nơi để giúp đỡ. Một cô học trò mồ côi cả cha lẫn mẹ quê ở huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) đang được ông tìm hiểu để đỡ đần học đại học.
Chúng tôi khá bất ngờ khi biết rằng trước những trường hợp này đã có hàng chục sinh viên nghèo, phần lớn là mồ côi, đã được ông Hậu âm thầm tìm cách dìu dắt, hỗ trợ học phí, tặng học bổng để hoàn thành giấc mơ học hành, nhiều người trong số này đã ra trường và có công ăn việc làm.
Mới đây, khi đọc báo ông Hậu biết ba tân sinh viên ở các tỉnh khác nhau có hoàn cảnh khó khăn, đứng trước nguy cơ bỏ học. Ông đã kết nối và đưa cả ba hoàn cảnh này vào giảng đường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Luật Hà Nội và ĐH Ngân hàng.
Một trong ba tân sinh viên này là Nguyễn Thị Huyền Trang - sinh viên năm 3 Trường ĐH Luật Hà Nội. Quê Trang ở xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Kỳ thi đại học năm 2019, Trang đứng trước nguy cơ không thể tới được giảng đường vì đã mất cả cha lẫn mẹ.
Khi biết câu chuyện này của Trang trên báo Tuổi Trẻ trong chương trình Tiếp sức đến trường luật sư Hậu đã âm thầm tìm hiểu, kết nối với Trang. Ông nhờ bạn ở Hà Nội tìm chỗ ở miễn phí, hỗ trợ những ngày lạ lẫm đầu tiên khi ra môi trường đại học của cô học trò xứ Nghệ. Nhờ sự giúp đỡ của ông Hậu cùng suất học bổng của báo Tuổi Trẻ, Trang đã dần vững chãi, học hành đạt kết quả cao.
Luật sư Lê Xuân Hậu cho biết từ câu chuyện tìm đến Trang mà giờ đây ông và cô sinh viên luật này đã trở thành hai người bạn. "Tôi vẫn giúp đỡ Trang, nhưng mới đây Trang bảo giờ đã tự đi làm thêm, tự kiếm tiền được rồi nên sẽ không nhận thêm gì nữa. Trang muốn dành phần đó cho người khó khác và cũng sẽ đi giúp đỡ người khó khăn như mình từng được dìu dắt lúc cần nhất một bàn tay" - ông Hậu nói.
Ngày 17-10, liên lạc với chúng tôi qua điện thoại, Huyền Trang nói rằng mình vẫn đang tích cực hoàn thành chương trình đại học để nuôi ước mơ trở thành một luật sư. Trong câu chuyện học hành của mình, Trang nói nếu không có báo Tuổi Trẻ cùng sự giúp đỡ của vị luật sư mà cô trước đó vốn chẳng quen biết thì cô sẽ không có ngày hôm nay.
Luật sư Lê Xuân Hậu hiện phụ trách bộ phận pháp chế của một doanh nghiệp lớn chuyên về ngũ cốc và là thành viên của một văn phòng luật sư tại TP.HCM. Trong câu chuyện của mình, ông Hậu nói mọi việc của ông đều lấy cảm hứng từ chủ doanh nghiệp nơi ông đang làm việc và sâu nặng nhất là từ hình ảnh cô giáo đã từng giúp ông ôn thi đại học.
"Giám đốc của tôi mỗi năm tự bỏ tiền xây hàng chục căn nhà cho bà con. Anh ấy làm một cách lặng lẽ, chỉ có cán bộ nhân viên như chúng tôi mới biết. Sống trong môi trường đó, cùng với câu chuyện của người cô đã từng giúp để thay đổi đời mình, tôi thấy bản thân làm còn rất ít. Nhưng nếu có tấm lòng, tôi tin chúng ta sẽ giúp được những người khó khăn dù cách này hay cách khác" - ông Hậu nói.
Tấm lòng từ cô giáo cũ
Ông Hậu nói rằng mỗi lần làm bất cứ việc gì ông vẫn nghĩ về cô giáo cũ của mình. Đó là năm 1993, lúc ông 26 tuổi. Sau khi đi bộ đội về, ông Hậu nuôi giấc mơ vào trường y và được chỉ tìm tới trung tâm luyện thi đại học của cô giáo Nguyễn Xuân Hương (hiện sống tại TP.HCM). Thời điểm đó, cô Hương đang là giáo viên môn sinh học tại Trường THPT Hùng Vương, quận 5, TP.HCM. Thấy cậu học trò nghèo, khắc khổ nhưng nuôi ý chí học hành lớn, cô Hương nhận vào dạy kèm miễn phí.
"Tôi đưa tiền học, nhưng lần nào cô cũng từ chối rồi bảo học xong thì lấy một lần. Tới lúc sắp thi đại học, cô đưa cho tôi một bì thư, trong đó có rất nhiều tiền và bảo rằng cô trích học phí từ các bạn khác để giúp tôi nuôi giấc mơ học hành. Tôi bật khóc vì nghĩ sao trên đời lại có người tử tế đến thế!" - luật sư Hậu nói.
Ông Hậu cho biết sau khi kết thúc lớp học ôn thi vào trường y của cô giáo Hương, ông không đậu vào ĐH Y dược nhưng được gọi vào ĐH Bách khoa. Khi ra trường ông đi làm nhiều công việc khác nhau và tới nay có nhiều bằng đại học, công việc chính của ông vẫn là ngành luật.
Đồ họa: NGỌC THÀNH