Đại sứ Knapper gặp Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh - Ảnh: Tổng lãnh sự quán Mỹ cung cấp
Đó là phát biểu của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper trong chuyến thăm Cần Thơ từ ngày 7 đến ngày 8-4, chuyến đi đầu tiên của ông đến Cần Thơ sau 16 năm.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, đại sứ đã gặp lãnh đạo TP Cần Thơ, ban giám hiệu Đại học Cần Thơ, các chuyên gia môi trường, sinh viên và các nhân viên y tế tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19.
Trong buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh, Đại sứ Knapper trao đổi về các ưu tiên của quan hệ song phương, tái khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với quan hệ song phương Hoa Kỳ - Việt Nam và với việc giải quyết các thách thức mà khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gặp phải.
Hai bên đã thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực cùng quan tâm như biến đổi khí hậu, y tế, và giáo dục.
"Tương lai của Việt Nam và mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam không chỉ được định hình bởi Hà Nội và TP.HCM, mà còn bởi người dân ở tất cả 63 tỉnh thành của Việt Nam. Những nơi như Cần Thơ sẽ đóng vai trò quan trọng đối với quan hệ hợp tác giữa hai nước chúng ta trong 25 năm tới", ông Knapper nói.
Đại sứ Mỹ Marc Knapper dự họp báo - Ảnh: HỒNG VÂN
Đại sứ đã gặp các chuyên gia về môi trường của Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Mekong để thảo luận về các nghiên cứu tiên tiến và các khóa đào tạo của viện, cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên các đồng bằng lớn như ĐBSCL.
Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ Online về các khoản tài trợ để hỗ trợ ĐBSCL tăng cường khả năng chống chịu trước các thách thức của biến đổi khí hậu, Đại sứ Knapper cho biết biến đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên của ĐBSCL cũng như của Mỹ. Giữa hai nước đã có nhiều chương trình hợp tác, cả ở ĐBSCL.
Một trong những mục đích của chuyến đi là để tìm những cơ hội hợp tác mới. Về tài trợ, trong chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ năm 2021, dự án bảo tồn môi trường sống ven biển ĐBSCL trị giá 2,9 triệu USD đã được thống nhất với sự triển khai của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và các đối tác.
Đại sứ Knapper đi thuyền thăm sông Hậu cùng các nhà môi trường học - Ảnh: Tổng lãnh sự quán Mỹ
Tại ĐBSCL, có Hà Lan và nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ cũng đang có những nỗ lực khác nhau để khắc phục các thách thức do biến đổi khí hậu và tác động của hoạt động kinh tế, sản xuất của con người.
"Chúng tôi cố gắng không giẫm chân lên nhau trong các hoạt động của mình", ông Knapper giải thích.
Trong chuyến thăm Đại học Cần Thơ, đại sứ cũng giao lưu với các sinh viên, ông Knapper nói "bảo vệ môi trường không phải là thách thức của riêng chính phủ mà là trách nhiệm của toàn cộng đồng" và kêu gọi các bạn sinh viên hành động để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và khôi phục hệ sinh thái.
Đại sứ Knapper thăm không gian Điểm hẹn Hoa Kỳ tại Đại học Cần Thơ - Ảnh: Tổng lãnh sự quán Mỹ
Đại sứ Knapper kết thúc chuyến thăm ĐBSCL bằng buổi tôn vinh các nhân viên y tế địa phương và những nỗ lực không mệt mỏi của họ để chống dịch COVID-19.
"Hoa Kỳ luôn là một đối tác tận tâm, cung cấp vắc xin, hỗ trợ kỹ thuật quản lý các ca nhiễm và trang thiết bị như máy thở và các hệ thống oxy cho chăm sóc chuyên sâu.
Mặc dù vậy, chúng ta biết rằng không có điều gì trong số này có thể phát huy hiệu quả nếu không có các nhân viên y tế tuyến đầu. Đó là lý do tại sao hỗ trợ cho các y bác sĩ tuyến đầu trở thành nền tảng của quá trình ứng phó dịch bệnh là điều hết sức cần thiết", Đại sứ Knapper nhấn mạnh tại sự kiện.
Đại sứ Mỹ Marc Knapper chuyện trò cùng các nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: HỒNG VÂN
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về ấn tượng khi trở lại Cần Thơ sau 16 năm, ông Knapper cho biết ông rất ấn tượng với sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng thịnh vượng hơn của Cần Thơ và không chỉ riêng Cần Thơ mà là toàn bộ Việt Nam, Hà Nội, TP.HCM.
Tuy nhiên, sự phát triển nào cũng có những thách thức, đặc biệt là thách thức do biến đổi khí hậu và thách thức do con người gây ra. Đó là vì sao Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt được những mục tiêu về giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, sử dụng năng lượng tái tạo nhiều hơn.