Vẽ dự án gần 250 hecta nhưng 5 năm sau chỉ nuôi… vài chục con bò

3 năm trước 321
Vẽ dự án gần 250 hecta nhưng 5 năm sau chỉ nuôi… vài chục con bò - Ảnh 1.

Dự án nuôi bò trên giấy thì rất bề thế, nhưng khi được cấp đến gần 250 hecta đất để triển khai thì lại manh mún, chỉ có một khu chuồng trại sơ sài phục vụ nuôi vài chục con bò - Ảnh: QUỐC NAM

Năm 2015, dự án "Trang trại chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt" của Doanh nghiệp tư nhân Gia Hân được tỉnh Quảng Bình cấp gần 250 hecta đất đồi núi tại huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) để triển khai. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực hiện, dự án này hiện chỉ đang nuôi vài chục con bò.

Ngoài ra, khu vực trang trại này hiện vẫn như vùng đất hoang. Ngoài một khu nhà cấp 4 sơ sài được xây dựng trên diện tích chỉ hơn 1 hecta thì còn lại đều như bỏ hoang. Thậm chí đường vào trang trại còn lởm chởm đá.

Dự án hoành tráng trên... giấy

Vẽ dự án gần 250 hecta nhưng 5 năm sau chỉ nuôi… vài chục con bò - Ảnh 2.

Bên trong khuôn viên dự án này sau hơn 5 năm có rất ít hạng mục được triển khai, các hạng mục này cũng chỉ được làm rất sơ sài - Ảnh: QUỐC NAM

Theo tìm hiểu, hồ sơ dự án thời điểm mới lập để xin cấp đất là một "chiếc bánh" mang đầy hi vọng đổi thay cho vùng đất cằn cỗi này. Dự án này có tổng vốn đầu tư là 20 tỉ đồng, với quy mô thường xuyên là 3.000 con bò giống sinh sản và 2.250 con bò thịt.

Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp, áp dụng công nghệ cao, tập trung, giảm chi phí, tăng hiệu quả; xây dựng hệ thống sản xuất thức ăn hỗn hợp thô xanh, khẩu phần hoàn chỉnh chất lượng cao.

Dự án góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, tạo lợi nhuận doanh nghiệp, tăng thu ngân sách và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Và dự án này được tỉnh Quảng Bình cấp một diện tích đất lên đến gần 250 hecta, với thời hạn sử dụng đất là 50 năm.

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trên thực tế trong hơn 5 năm qua khác xa những hình ảnh đẹp trong hồ sơ. Theo ghi nhận, tại khu vực trang trại hiện tại chỉ có một ngôi nhà nhỏ cấp 4, một khu trang trại trống trơn, hoang tàn. Một bức tường đang xây dựng dở cùng một đám đất được cày xới nhưng khô khốc vì bị bỏ hoang lâu ngày.

Ngoài ra, theo lời của bảo vệ khu trang trại thì hiện ở đây vẫn chưa có hệ thống điện. Nước được lấy từ giếng khoan nhưng lúc có lúc không.

UBND xã Ngư Hóa cho biết khu vực này trước đây là nơi tranh chấp địa giới hành chính giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh. Đến khi Thủ tướng có quyết định phân chia ranh giới thì đã ở trong tình trạng bị xâm canh nghiêm trọng.

Năm đầu khi triển khai dự án thì doanh nghiệp cũng đưa về đây vài trăm con bò để nuôi. Nhưng địa hình ở đây quá khó khăn. Nguồn nước, thức ăn bị hạn chế nên số bò thưa dần. Đến nay chỉ còn khoảng… vài chục con.

Không để lãng phí tài nguyên đất

Vẽ dự án gần 250 hecta nhưng 5 năm sau chỉ nuôi… vài chục con bò - Ảnh 3.

Dự án nuôi bò từ quy mô 5.500 con trên giấy nay thực tế lúc nhiều nhất cũng chưa tới 300 con, còn hiện tại là vài chục con bò - Ảnh: QUỐC NAM

Ông Nguyễn Thanh Phong, chủ tịch UBND xã Ngư Hóa, nói trách nhiệm thẩm định khi cấp dự án này cho doanh nghiệp là của các cơ quan cấp tỉnh. Chính quyền địa phương chỉ có thẩm quyền thừa hành. Diện tích đất được cấp cho dự án trước đây là đất rừng sản xuất, nhưng sau đó đã được chuyển đổi.

"Mới đây doanh nghiệp đã có cam kết sẽ tìm hướng đầu tư mới cho dự án này. Tuy nhiên, sự cam kết này chỉ có sau khi các cơ quan ban ngành của tỉnh lên trực tiếp kiểm tra, và hiện cũng chỉ ở trên giấy nên chưa biết thế nào", ông Phong nói.

Ông Phan Phong Phú, giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Bình, cho biết hiện trạng cấp diện tích lớn cho dự án này là bắt nguồn từ lịch sử. Dự án này đã được thẩm định cả chục năm trước. Thời điểm đó khu vực này mới chia tách địa giới, đường vào không có, đất đai hoang hóa.

Sau đó, khi tình hình kinh tế - xã hội địa phương phát triển thì khu vực này đã được khai thông, dễ tiếp cận và nhiều tiềm năng hơn. Ông Phú cũng xác nhận mới đây sở cùng một số đơn vị liên quan đã lên kiểm tra trực tiếp tại khu vực trang trại này để đánh giá lại thực trạng. Ông Phú nói sau đó các đơn vị đã có báo cáo sơ bộ cho UBND tỉnh.

"Chắc chắn sắp tới chúng tôi sẽ có báo cáo cụ thể để UBND tỉnh có giải pháp cứng rắn xử lý thực trạng này. Không thể để lãng phí như vậy được", ông Phú khẳng định.

Yêu cầu thu hồi tiền thuê đất tại dự án ngàn tỉ ‘chết yểu’Yêu cầu thu hồi tiền thuê đất tại dự án ngàn tỉ ‘chết yểu’

TTO - Dự án nhà máy thép ở Hà Tĩnh có vốn đầu tư dự kiến 1.700 tỉ đồng, chưa một lần sản xuất thép bán ra thị trường thì bất ngờ ngừng hoạt động, công ty đầu tư dự án này đang nợ ngân hàng cả ngàn tỉ đồng.

Nguồn bài viết