Giám đốc AFD tại Việt Nam bày tỏ băn khoăn về những vướng mắc trong thực hiện thủ tục để triển khai dự án - Ảnh: N.A
Ngày 21-11, trong khuôn khổ chuyến thăm cao cấp của Phái đoàn Liên minh châu Âu và Bộ Công Thương tại tỉnh Gia Lai, những lo ngại về việc thi công, triển khai xây dựng công trình dự án nhà máy thủy điện Ialy mở rộng có thể bị chậm tiến độ đã được đặt ra.
Đây là dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, nhận nguồn vốn tài trợ từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). EVN đã ký thỏa ước tín dụng khoản vay 74,7 triệu euro (tương đương 1.900 tỉ đồng).
Ông Phạm Hồng Phương - phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cho biết việc thi công dự án vẫn bám sát mục tiêu, tiến độ đề ra, thậm chí nhiều hạng mục vượt tiến độ so với kế hoạch được duyệt 1-3 tháng, nhưng dự án cũng gặp nhiều vướng mắc về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tại tỉnh Gia Lai.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án, song tỉnh vẫn có ý kiến "chưa đủ cơ sở thực hiện do quy hoạch lâm nghiệp quốc gia 2021 - 2030 chưa được Thủ tướng phê duyệt".
Báo cáo cụ thể hơn tình hình, ông Nguyễn Đức Minh - phó giám đốc Ban quản lý dự án điện 2 (EVN) - cho biết theo kế hoạch dự kiến, công trình sẽ được hoàn thành tháng 12-2024. Tuy vậy, vướng mắc trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên chưa được tháo gỡ, dù đoàn giám sát của UBND tỉnh Gia Lai đã khảo sát thực tế.
"Toàn bộ công trường rất căng thẳng, nếu không giải quyết nguy cơ chậm tiến độ rất cao, ảnh hưởng tiến độ thi công kênh dẫn dòng, chắn lũ, tuyến đường dây 500kV đấu nối hệ thống điện quốc gia và việc vay vốn của EVN với ngân hàng" - ông Minh cho biết thêm những khó khăn của dự án như giá nguyên vật liệu, dịch vụ tăng cao, như giá xăng dầu tăng 100%, giá thép tăng 30%…
Công trường dự án bị ảnh hưởng tiến độ vì việc thực hiện các thủ tục - Ảnh: N.AN
Trực tiếp đi khảo sát công trường thi công và lắng nghe những phản ánh của chủ đầu tư, Đại sứ châu Âu tại Việt Nam - ông Giorgio Alibert bày tỏ sốt ruột và cho rằng để đạt kế hoạch cần phải có "thiện chí và quyết tâm".
Đại sứ EU đề nghị các bên liên quan cần có lộ trình để dự án không rơi vào tình trạng phải chờ đợi quá nhiều năm khiến cho việc triển khai kéo dài.
Theo ông Hervé Conan - giám đốc quốc gia AFD tại Việt Nam, những thông tin phía EVN cung cấp cho thấy rõ những khó khăn trong việc triển khai, đặt ra yêu cầu cần được giải quyết nhanh vướng mắc để các đơn vị thi công có thể triển khai các hạng mục đảm bảo tiến độ dự án.
"Chúng tôi đồng thuận với đề xuất của EVN trong vấn đề sắp xếp vốn cho thủy điện Ialy, đặt mục tiêu các tổ máy hoạt động sau nửa sau năm 2024", ông nói.
Trực tiếp tham gia đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đề nghị UBND tỉnh Gia Lai cần có ý kiến để nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc nhằm triển khai hạng mục. Theo đó, các bên liên quan cần rà soát các thủ tục, báo cáo các cấp để sớm tháo gỡ, chứ không đặt vấn đề "lùi tiến độ dự án", bởi nếu lùi dự án sẽ ảnh hưởng lớn.
"Nếu một năm trượt mất đi doanh thu 232 tỉ, ngân sách mất đi vài chục tỉ tiền thuế. Còn triển khai dự án như hiện nay thì phải thực hiện nghiêm các quy định nhà tài trợ, quy định pháp luật về an toàn, sức khỏe môi trường. Dù ta đang làm tốt nhưng không chủ quan được, công trình thủy điện phải làm kỹ lưỡng, đảm bảo tiến độ đúng như dự kiến, sớm hơn càng tốt" - ông An nêu.
"Rất ủng hộ" việc thực hiện dự án thủy điện Ialy mở rộng, ông Hồ Phước Thành - phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - cho biết về khó khăn, vướng mắc trong thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp EVN giải quyết, vướng chỗ nào, gỡ chỗ đó.
"Việc chậm chuyển mục đích sử dụng đất rừng làm ảnh hưởng lớn đến công tác thi công kênh dẫn dòng nhà máy và tuyến đường dây 500kV đấu nối, từ đó ảnh hưởng đến vấn đề chống lũ năm 2023 là không thể được", ông nói.