Vươn lên nhờ những tấm gương

3 năm trước 307
Vươn lên nhờ những tấm gương - Ảnh 1.

Nguyễn Hiếu Nhân hiện là sinh viên năm nhất Trường đại học Kinh tế - tài chính TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

"Mình từng nghĩ bản thân chỉ là gánh nặng của cha mẹ, từng muốn buông xuôi, nhưng nhờ câu nói "Nếu thất bại tôi sẽ thử làm lại, làm lại và làm lại nữa. Nếu bạn thất bại, bạn sẽ cố làm lại chứ?" của diễn giả Nick Vujicic, mình đã quyết tâm phải vượt qua hoàn cảnh của mình", chàng tân sinh viên ngành thương mại điện tử Đại học Kinh tế tài chính TP.HCM trải lòng.

Tiết kiệm từng vật dụng cũ

Nằm trong con hẻm trên đường Nơ Trang Long, căn phòng thuê của Nhân và cha mẹ chỉ khoảng 10m2. Chiếc bàn học của Nhân kê sát tường, bên trên là kệ sách vở - những "người bạn" đã đồng hành cùng Hiếu Nhân suốt mùa thi đại học vừa qua.

"Mình biết hoàn cảnh bản thân không khá giả nên tự ý thức học hành và nỗ lực. Cha mẹ đã bươn chải, vất vả nhiều rồi, khó khăn lắm mới kiếm được từng đồng nuôi nấng mình", Nhân nói.

Bước ra gặp chúng tôi với chiếc áo rách hai mảng lớn ở vai, Nhân nói bạn không có thói quen mua nhiều quần áo, và mỗi bộ thường mặc rất lâu. Những quyển tập sử dụng còn dư trang, Nhân lọc những trang trắng ra và bấm lại thành một quyển mới. Những hộp sữa được Nhân rửa sạch, tạo hình lại thành kệ đựng sách. Thậm chí những chiếc bình nhựa cũ cũng được Nhân cắt ra làm dép đi trong nhà.

Cuối năm lớp 9, khi đang chuẩn bị đi học thì Nhân ngất xỉu. Khi được đưa vào bệnh viện, cả gia đình bất ngờ khi bác sĩ chẩn đoán Nhân mắc bệnh tim hở van ba lá. Dù rất suy sụp với tình trạng bệnh, năm ấy Nhân vẫn nỗ lực vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, hành trình bước vào lớp 10 của Nhân tại một trường THPT ở quận 3 lại không mấy suôn sẻ.

"Mình bị bạn bè trêu chọc, kỳ thị vì sức khỏe kém, thậm chí nhận được ánh nhìn không mấy thiện cảm từ chính giáo viên. Lớp học nằm ở tầng cao, việc đi cầu thang đối với mình cũng khó khăn. Mình thường xuyên hụt hơi", Nhân nhớ lại. Chỉ vào học được vài tháng, Nhân xin nghỉ ở trường. Hai năm sau đó là khoảng thời gian Nhân chống chọi với căn bệnh trầm cảm do gánh chịu nhiều áp lực khi ở tuổi còn quá trẻ.

"Thời gian đầu khi mới bị bệnh, mình có được gia đình đưa đi khám, nhưng một lần khám bệnh tốn khoảng 300.000 đồng. Sau vài buổi thấy đắt tiền quá nên mình quyết định ngừng điều trị", bạn kể. "Lúc đó mình đã nghĩ rằng bản thân chỉ là gánh nặng của gia đình. Mình buông xuôi rồi", Nhân nói.

Không khuất phục

Những ngày ở nhà Nhân dành thời gian để tìm đọc các câu chuyện về những tấm gương vượt khó, từ diễn giả không chân, tay Nick Vujicic đến hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng và em gái Nguyễn Thảo Vân. Đó cũng là thời gian Nhân mày mò tái chế đồ dùng để tiết kiệm chi phí mua sắm.

"Những câu nói của Nick Vujicic trở thành động lực để tôi nhìn lại hoàn cảnh của mình và thử cố gắng một lần nữa. Mình quyết định quay lại trường học", Nhân kể.

17 tuổi, Nhân trở về học lớp 10. Tuy nhiên, do nghỉ học đã lâu, không thể theo học lại chương trình công lập vì mất "đà", Nhân xin vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Phú Nhuận. Từ ngôi trường này, một học sinh tưởng chừng đã mất niềm tin, mất hy vọng như Nhân bắt đầu tìm lại được những niềm yêu thích cho việc học.

"Lúc đầu mình chưa đỡ bệnh nên thường phải nghỉ học, các thầy cô không vui, nhưng sau khi biết bệnh tình, mọi người đều đồng cảm, chia sẻ và gần gũi với mình hơn rất nhiều", Nhân trải lòng.

Cũng từ những bài giảng ở lớp, Nhân tìm thấy sự say mê dành cho môn vật lý. Những quyển sách đặt trên bàn học của Nhân hầu hết đều thuộc chủ đề này. Cậu bạn nói môn vật lý giúp giải thích được những hiện tượng, sự việc trong cuộc sống. Dẫu biết mình không thể theo đuổi con đường nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực này, với Nhân, việc đọc những quyển sách vật lý vẫn là một sở thích mỗi khi có thời gian rảnh.

"Mình tìm được động lực và nỗ lực học, cuối cùng đã gặt hái được kết quả như mong muốn là đỗ được vào đúng trường đại học và ngành học yêu thích", Nhân chia sẻ, không giấu đi niềm hy vọng con đường mới mở ra này sẽ mang cho bạn thêm nhiều kiến thức và nhiều mối quan hệ để học hỏi.

Trong quá trình học, nhiều lúc căn bệnh khiến Nhân trở mệt, không thở được và không nhìn rõ mọi vật. Những lúc dễ nản lòng ấy, Nhân lại nhớ những câu chuyện về tấm gương mà mình đã đọc. Hai năm học lớp 11 và 12 là thời điểm xảy ra dịch COVID-19, Nhân may mắn dành dụm đủ chút tiền để mua được chiếc laptop phục vụ cho việc học trực tuyến.

"Mình lên mạng tự tìm hiểu cách làm bài tập, những gì không hiểu sẽ hỏi thầy cô. Mình áp dụng cách học đó cho đến lúc thi tốt nghiệp, mọi thứ đều ráng tự học, tự ôn bài", bạn cho biết.

Những lúc rảnh rỗi, ngoài nghe nhạc, đọc sách, Nhân tranh thủ rèn luyện thêm tiếng Anh bằng cách xem phim, đọc những trang web bằng tiếng Anh và dùng từ điển để dò nghĩa của từ mới. Đến nay Nhân có thể nghe, nói và dịch tiếng

Anh. Ngoài ra, một mơ ước khác của Hiếu Nhân là được học thêm tiếng Nhật - ngôn ngữ mà bạn yêu thích. Thỉnh thoảng Nhân cũng tìm các trang web tự học tiếng Nhật trên mạng để trau dồi.

Không biết trụ được đến bao giờ

Nhân cho biết ba của bạn làm bảo vệ toàn thời gian cho một trường mầm non ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Mỗi ngày ba chỉ được về nhà từ 8h-14h30, thời gian còn lại đều phải túc trực tại trường. Mỗi tháng ông nhận mức lương 3-4 triệu đồng, chỉ đủ để trả tiền nhà và trang trải sinh hoạt hằng ngày. Mẹ Nhân bán hàng rong từ khi bạn còn bé đến nay. Thu nhập tuy không nhiều nhưng đỡ đần được phần nào cho gia đình. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nay, đồng lương còm cõi của hai vợ chồng đều không ổn định. Đặc biệt, trong 4 tháng gần đây, cả hai đều không có thu nhập do tình hình kinh tế khó khăn, giãn cách xã hội khiến mẹ Nhân không thể đi làm.

"Thu nhập không có, nhiều lúc ra ngoài muốn mua đồ ăn cũng không được. May mắn thì nhà ngoại đặt đồ ăn mang qua cho gia đình cũng dùng được khoảng một tháng", Nhân chia sẻ.

Cũng theo Nhân, sau khi trải qua cảm giác vui vẻ, hạnh phúc khi hay tin bạn đậu đại học, cả gia đình lại bắt đầu những lo lắng bởi số tiền học cũng là một vấn đề trong thời gian này. Hiện nay dì ruột của Nhân là người hỗ trợ bạn học tập và đóng học phí.

"Dì mình cũng có tuổi rồi nên không biết sẽ trụ được bao lâu. Mình nghĩ rằng khi bớt dịch sẽ xin đi làm thuê bán thời gian ở các cửa hàng tiện lợi để trang trải một phần chi phí. Nếu tiền đó không đủ đóng học phí thì cũng đủ cho sinh hoạt hằng ngày", Nhân bộc bạch.

Vươn lên nhờ những tấm gương - Ảnh 3.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Đốm sáng trong ngôi nhà tốiĐốm sáng trong ngôi nhà tối

TTO - Chưa tròn 1 tuổi, cha mẹ vào TP.HCM mưu sinh, đứa trẻ ấy ở với ông bà nội già yếu trong căn nhà xập xệ. Chẳng ai chỉ bảo việc học tập, cô bé tự vươn lên và nay trở thành tân sinh viên khoa kinh tế Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Nguồn bài viết