Vĩnh Long: Xem xét hỗ trợ cho hộ nghèo và cận nghèo trong thời gian giãn cách

3 năm trước 642
Chú thích ảnhBí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm phát biểu tại cuộc họp.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm, cùng với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trong 14 ngày nhằm để khoanh vùng, cắt đứt các nguồn lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn. Tỉnh đang triển khai nhiều hoạt động, trong đó chú trọng công tác hỗ trợ để người dân yên tâm giãn cách, đồng hành cùng địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long giao các Chi bộ phân công đảng viên chịu trách nhiệm quản lý, giám sát hộ dân để đảm bảo người dân không ra ngoài khi không thật sự cần thiết. Song song đó, từng địa phương trong tỉnh cần tập trung tổ chức ngay các Tổ đi chợ thay để hạn chế đi ra ngoài tiếp xúc nhau, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Các địa phương cần tuyên truyền để người dân tận dụng nông sản tại gia đình trong thời gian giãn cách và thông qua Tổ đi chợ thay để mua hàng hóa thiết yếu, tăng cường quản lý không để người dân tự ý đi chợ. Thành viên các Tổ đi chợ thay phải được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và test nhanh định kỳ 3 ngày/lần để đảm bảo an toàn trong thời gian làm nhiệm vụ. Các tổ đi chợ thay phải đảm bảo hoạt động vì lợi ích người dân, mua đúng, mua đủ, có sự giám sát của các ngành chức năng. Ngành công thương phụ trách điều phối cung cấp đủ lượng hàng, đảm bảo giá cả và chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình tổ chức đi chợ thay cho người dân.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các địa phương nhanh chóng thành lập các đội thu gom nông sản, nhằm đảm bảo việc thu mua và tiêu thụ nông sản của người dân được thông suốt. Các tiểu thương thuộc đội thu mua nông sản phải được tiêm vaccine và test nhanh COVID-19 định kỳ 3 ngày /lần để đảm bảo an toàn.

Tỉnh Vĩnh Long đang xem xét chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long giao các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người dân theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, tăng cường vận động xã hội hóa để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, chung tay phòng, chống dịch bệnh.

Tỉnh sẽ phát động đợt cao điểm quyên góp tiền, vận động trang thiết bị y tế, sinh phẩm, lương thực, thực phẩm… để bổ sung cho công tác phòng, chống dịch và tuyến đầu phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân của tỉnh đang gặp khó khăn tại các tỉnh, thành khác do thực hiện giãn cách xã hội. Song song đó, tỉnh yêu cầu các địa phương thông qua Hội đồng hương để hỗ trợ người dân của Vĩnh Long đang ở các tỉnh, thành khác ổn định cuộc sống, rà soát số lượng người có nhu cầu trở về địa phương để có kế hoạch đón về khi điều kiện cho phép. Tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp nhận các nguồn hỗ trợ, tổ chức những chuyến xe để nhanh chóng chuyển nhu yếu phẩm được hỗ trợ đến với người dân của tỉnh đang ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác, góp phần giúp các hộ ổn định cuộc sống, khuyến cáo người dân không tự ý rời khỏi địa bàn trong thời gian giãn cách. 

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh, tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống trong giai đoạn này để yên tâm ở nhà, chung tay với tỉnh trong việc thực hiện nghiêm việc giãn cách, hạn chế phát sinh ca mắc mới trong cộng đồng để sớm dập dịch. Chỉ có lực lượng phòng, chống dịch, các tổ đi chợ thay, người dân đi khám bệnh, mua thuốc, nông dân đi sản xuất và một số trường hợp đặc biệt khác được cơ quan chức năng cho phép mới được ra ngoài, nhưng phải có sự giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng. Tất cả người dân không được ra đường khi không cần thiết, hạn chế tiếp xúc đông người. Nếu cố tình vi phạm, các lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm để đảm bảo công tác phòng, chống dịch được hiệu quả.

Tính đến ngày 1/8, tỉnh Vĩnh Long đã ghi nhận 844 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng ở 8 huyện, thị xã trên địa bàn. Vĩnh Long đã thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 19/7. Trong thời gian thực hiện giãn cách, tỉnh đã ban hành Quyết định hỗ trợ cho 6.454 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và 12.250 lao động tự do với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng. Hiện nay, các địa phương đang triển khai chi trả cho tất cả hộ dân. Ngoài ra, các các cấp, các ngành, các đoàn thể trên địa bàn cũng vận động, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân, góp phần ổn định cuộc sống, đảm bảo thực hiện nghiêm việc giãn cách để chung tay cùng tỉnh phòng, chống dịch.

Nguồn bài viết