Để đạt mục tiêu trên, Vĩnh Long tập trung triển khai xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nước sạch… đúng kế hoạch, tiến độ nhằm phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của người dân nông thôn. Tỉnh tiếp tục triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất tập thể, liên kết sản xuất để hỗ trợ thúc đẩy sản xuất hàng hóa. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm tạo ra sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương; phát triển làng nghề, tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn.
Cùng với việc huy động nguồn lực, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự quan tâm của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới; phát huy sự tham gia tích cực, chủ động của nhân dân với những việc làm cụ thể như: Đóng góp sức người, sức của trong xây dựng hạ tầng nông thôn, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng môi trường sống xanh-sạch-đẹp…
Trong quá trình thực hiện, tỉnh tăng cường hoạt động khảo sát, đánh giá công tác nâng chất, giữ vững thành tích các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao cũng như tiến độ thực hiện 19 tiêu chí tại những xã đăng ký đạt chuẩn trong năm. Trong đó, ngành chức năng hướng dẫn các địa phương chú trọng thực hiện công tác nâng chất tiêu chí, nhất là đối với tiêu chí về tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng môi trường sống xanh-sạch-đẹp, đảm bảo an ninh trật tự nông thôn... Các cấp, ngành, địa phương thường xuyên cập nhật mô hình mới, điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nhiệm hay về xây dựng nông thôn mới để phổ biến, nhân rộng; động viên, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân, tổ chức có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Theo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Long, năm 2021, tỉnh có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 62/87 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 71,26% và 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 24,13%. Trong năm, tỉnh huy động các ngồn lực để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên 1.100 tỷ đồng; trong đó vốn huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và nguồn hợp pháp khác là trên 30,6 tỷ đồng.