Vùng trung du Hiệp Hòa đổi thay từ vốn tín dụng chính sách

1 tuần trước 4
Chú thích ảnhẢnh 1,2: Ban đại diện HĐQT - NHCSXH huyện Hiệp Hoà họp sơ kết hoạt động quý 1/2024

Thành quả này đến từ việc thực hiện đồng bộ, kịp thời các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững, cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các ban ngành trên địa bàn trong công tác huy động mọi nguồn lực...

Trong đó có sự đóng góp quan trọng, thiết thực của dòng vốn tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức mang đến cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên vùng đất trung du có đông dân nhất tỉnh Bắc Giang.

Chú thích ảnh Điểm giao dịch xã Hoàng Lương giải ngân vốn giải quyết việc làm.

Giám đốc NHCSXH huyện Hiệp Hòa, bà Ngô Thị Thắm, cho biết: Ngay từ khi thành lập (2003) toàn đơn vị đã đồng tâm, hợp lực tham gia trực tiếp thực hiện công cuộc giảm nghèo của địa phương bằng những việc cụ thể như tập trung huy động tạo lập nguồn lực tài chính, tổ chức chuyển tải nhanh chóng nguồn vốn ưu đãi về tận thôn xã, đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Hiệu quả của sự nỗ lực đó là tốc độ tăng trưởng dư nợ ở NHCSXH Hiệp Hòa năm sau cao hơn năm trước. Tổng nguồn vốn thời điểm ngày 31/3/2024 đạt hơn 875,2 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 2,28% so cùng kỳ.

Hiện tại, huyện thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách. Riêng quý I vừa qua, doanh số cho vay đạt gần 50 tỷ đồng, với 1.524 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Cùng với đó, chất lượng tín dụng cơ bản được giữ vững và đảm bảo, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,04%; có 17/25 xã không có nợ quá hạn. 

Công tác phối hợp giữa NHCSXH với cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đơn vị nhận ủy thác, Tổ Tiết kiệm và vay vốn đảm bảo thường xuyên, liên tục, ngày càng chặt trẽ hơn, đạt hiệu quả tích cực…

Nhờ đó, tổng doanh số cho vay, lượt khách hàng vay vốn, tổng dư nợ đều tăng; Dòng vốn ưu đãi được khơi thông, chảy nhanh về với các đối tượng thụ hưởng.

Chú thích ảnh Giám đốc NHCSXH huyện Hiệp Hòa và cán bộ tín dụng chính sách thăm mô hình sản xuất hiệu quả xã Châu Minh.

Cũng theo Giám đốc Ngô Thị Thắm, cùng với việc tập trung thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng, duy trì củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng, NHCSHX Hiệp Hòa đã có các giải pháp đôn đốc thu hồi nợ, xử lý rủi ro, lãi tồn đọng; củng cố hoạt động mạng lưới Tổ TK&VV, duy trì hoạt động ổn định hệ thống 25/25 Điểm giao dịch xã.

Từ đầu năm 2024, NHCSXH huyện chỉ đạo rà soát lại toàn bộ các Điểm giao dịch xã, củng cố, thay thế, bổ sung các biển bảng công khai chính sách tín dụng đã cũ, hỏng, mất; đầu tư trang thiết bị mới phục vụ hoạt động giao dịch an toàn, tiện lợi hơn như máy tính xách tay, máy in, máy đếm tiền, camrera giám sát.

Hoạt động tín dụng chính sách ở miền trung du Hiệp Hòa luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của NHCSXH cấp trên, của lãnh đạo địa phương. Về phía NHCSXH huyện cũng thường xuyên chủ động, tích cực tham mưu cho các cấp lãnh đạo, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các ngành liên quan để triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách mới về tín dụng chính sách trên địa bàn.

Kết quả nguồn vốn và dư nợ tín dụng ưu đãi được tăng cường, đạt mục tiêu đề ra từ 7-10%. Đặc biệt, vốn chính sách đã giúp cho gần 14.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện thuận lợi hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống; tạo công ăn việc làm cho gần 7.800 lao động; gần 900 học sinh sinh viên được vay vốn học tập; xây dựng, sửa chữa trên 13.400 công trình nước sạch và vệ sinh hợp chuẩn; làm mới nhiều nhà ở vững chắc cho hộ nghèo; 110 nhà ở xã hội được xây mới khang trang….

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp miền đất trung du Hiệp Hòa đẩy nhanh quá trình xóa đói giảm nghèo và tạo động lực phát triển phong trào thi đua, làm giàu cho quê hương. Theo thống kê, đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 1,61% và có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khá hiệu quả. Cụ thể, có 10 sản phẩm được bảo hộ hàng hóa, gắn tem truy xuất nguồn gốc và hàng trăm, hàng nghìn điển hình tập thể, cá nhân sản xuất kinh doanh giỏi.

Đơn cử như HTX Hoàng Lương chuyên canh rau cần, xuất khẩu sang Hàn Quốc để làm nấm kim chi nổi tiếng; gạo nếp cái hoa vàng của xã Thái Sơn được Cục sở hữu trí tuệ chứng nhận bảo hộ độc quyền.

Chú thích ảnh Giám đốc NHCSXH huyện Hiệp Hòa và cán bộ tín dụng chính sách thăm mô hình sản xuất hiệu quả xã Châu Minh.

Hay hộ anh Nguyễn Tiến Định, ngụ xã Đoan Bái, đã sử dụng vốn chính sách để mở trang trại chăn nuôi gia cầm ngan vịt thương phẩm, thu nhập tới 100 triệu đồng/ năm.

Hoạt động của NHCSXH huyện Hiệp Hòa đã đạt những thành tích đáng kể, xứng đáng nhận phần thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2023.

Vốn tín dụng chính sách đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh xã hội bền vững trên vùng đất trung du Bắc Giang.

Phát huy thành tích đạt được, đơn vị tiếp tục phấn đấu huy động, tạo lập mới nguồn lực tài chính, chuyển tải nhanh chóng an toàn các nguồn vốn về đúng đối tượng, địa chỉ thụ hưởng, góp phần thực hiện thành công công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hiệp Hòa.

Nguồn bài viết