Vì tương lai phát triển bền vững - Bài 2: Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học

1 năm trước 69
Chú thích ảnhVườn Quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) là một trong 8 khu vực bảo tồn các loài chim quan trọng nhất của Việt Nam với hơn 100 loài động vật có xương sống, 40 loài cá và 147 loài chim nước. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Thỏa thuận mang tính bước ngoặt

Theo Liên hợp quốc, 75% diện tích đất đai trên thế giới đã bị biến đổi do hoạt động của con người, hậu quả là 1 triệu loài phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong thế kỷ này. Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) diễn ra tại Canada vào cuối năm 2022 đã thông qua một thỏa thuận lịch sử mang tên Khuôn khổ Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal, nhằm đảo ngược hàng thập niên tàn phá môi trường, đe dọa các loài động, thực vật, hệ sinh thái trên toàn thế giới, đồng thời đưa các nước vào con đường phục hồi hệ sinh thái.

Thỏa thuận bao gồm 4 mục tiêu, 23 chỉ tiêu cần đạt được vào năm 2030. Trong số các mục tiêu toàn cầu này có việc bảo tồn, quản lý hiệu quả ít nhất 30% diện tích các khu vực trên cạn, vùng nước nội địa, ven biển và biển, đặc biệt là các khu vực có tầm quan trọng đối với đa dạng sinh học, các chức năng, dịch vụ của hệ sinh thái. Thỏa thuận cũng bao gồm cam kết viện trợ tới 30 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển để phục vụ công tác bảo tồn. Thỏa thuận còn bao gồm các mục tiêu, trong đó có giảm trợ cấp cho những hoạt động nông nghiệp mang tính tàn phá môi trường, giảm rủi ro từ sử dụng thuốc trừ sâu, xử lý các loài xâm lấn...

Như vậy, sau hơn 4 năm đàm phán căng thẳng, hơn 190 quốc gia tham gia Công ước đa dạng sinh học của Liên hợp quốc đã ký thỏa thuận nhằm cứu các vùng đất, đại dương và các loài sinh vật trước nguy cơ bị ô nhiễm, suy thoái, khủng hoảng khí hậu. Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường so sánh thỏa thuận này mang tính bước ngoặt như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 nhằm khống chế mức tăng nhiệt trên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.

Tham gia COP15, đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân làm Trưởng đoàn đã khẳng định sự ủng hộ và vai trò quan trọng của Việt Nam trong nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh suy thoái đa dạng sinh học đang ở mức độ báo động, việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững trên toàn cầu và phục hồi đa dạng sinh học là thách thức với tất cả các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, với việc thông qua và thực hiện hiệu quả Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020, việc đạt được mục tiêu này sẽ gần hơn rất nhiều.

Bên lề Hội nghị COP 15, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức Sự kiện “Bảo vệ di sản thiên nhiên của Việt Nam” nhằm giới thiệu đa dạng sinh học của Việt Nam và các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời kêu gọi các đối tác cùng hợp tác hành động để ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Sự kiện đã thu hút được sự chú ý, tham gia của hơn 70 đại biểu đại diện cho các tổ chức quốc tế, các quốc gia thành viên của Công ước đa dạng sinh học. Các cơ quan, tổ chức quốc tế đều đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được của Việt Nam về công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới nhằm góp phần đạt được các mục tiêu chung của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã nhấn mạnh các giá trị nổi bật về đa dạng sinh học của Việt Nam cùng với những thành tựu đã đạt được trong việc góp phần vào thực hiện các mục tiêu toàn cầu về đa dạng sinh học, đồng thời đặc biệt ghi nhận, đánh giá cao sự hợp tác của các đối tác quốc tế trong thời gian qua; khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục và mở rộng các mối quan hệ đối tác, bao gồm cả hợp tác công – tư trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Ông Marco Lambertini, Tổng Giám đốc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã có nhiều hành động quyết liệt để thực hiện các cam kết quốc tế về đa dạng sinh học. Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia về đa dạng sinh học.

Chú thích ảnhTỉnh Quảng Trị hiện có diện tích đất có rừng hơn 252.000 ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 140.000 ha, rừng trồng hơn 112.000 ha, độ che phủ rừng 50,1%. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Xây dựng quy hoạch dài hạn

Tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng huy động mọi nguồn lực để triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học cũng như kêu gọi các nước thành viên có hành động tương tự để hướng đến xây dựng hành tinh thịnh vượng và khỏe mạnh.

Tham gia Công ước Đa dạng sinh học từ năm 1994, đến nay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hướng đến giải quyết các mối đe dọa về đa dạng sinh học một cách toàn diện bao gồm hoàn thiện hành lang pháp lý, tích cực hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tạo điều kiện cho các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học trong nước phát triển cũng như tăng cường hợp tác, chỉ đạo các cơ quan, bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, Khung đa dạng sinh học toàn cầu chính là kim chỉ nam để Chính phủ Việt Nam xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học qua nhiều thời kỳ, giúp Việt Nam bắt kịp với các yêu cầu bảo tồn của thế giới.

Cam kết này đã được Việt Nam tái khẳng định thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo thế giới về thiên nhiên tại Hội nghị thượng đỉnh về Đa dạng sinh học trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 75 của Đại hội đồng Liên hợp quốc; Tuyên bố Côn Minh tại Hội nghị các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học thứ 15 năm 2021 tại Côn Minh, Trung Quốc.

Với tư cách là thành viên tích cực của Công ước, Việt Nam kiến nghị cần nhanh chóng thiết lập các cơ chế hỗ trợ thực hiện, bao gồm cơ chế tài chính mới, huy động nguồn lực, xây dựng, phát triển năng lực, kỹ thuật, hợp tác khoa học, chuyển giao công nghệ; tăng cường hợp tác giữa các bên để thực hiện thành công các mục tiêu tham vọng của Khung đa dạng sinh học toàn cầu; tạo cơ hội để mỗi người dân, tổ chức, quốc gia phát huy tối đa vai trò và trách nhiệm của mình trong việc hiện thực hóa Tầm nhìn 2050 về “Sống hòa hợp với thiên nhiên”.

Đối với định hướng công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương, tổ chức, các chuyên gia để xây dựng Dự thảo Báo cáo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Dự thảo Báo cáo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia nhằm định hướng việc bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học trong thời kỳ quy hoạch; bảo đảm các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm được bảo tồn, phát triển bền vững; tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các ngành trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dự thảo được xây dựng với quan điểm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đa dạng sinh học và pháp luật khác có liên quan; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, chú trọng duy trì, phát triển các dịch vụ hệ sinh thái nhằm giảm tối đa mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển bền vững; tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ngoài phạm vi các khu bảo tồn thiên nhiên; phát huy tối đa tính kế thừa các thành quả, duy trì tính ổn định của các hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học hiện có; áp dụng cách tiếp cận hệ sinh thái trong xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; huy động mọi nguồn lực của cộng đồng vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học; bảo đảm các nguyên tắc về chia sẻ công bằng, hài hòa lợi ích của các bên có liên quan.

Theo Dự thảo, từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ tiến hành quy hoạch 258 khu bảo tồn, 100 cơ sở bảo tồn, 8 hành lang đa dạng sinh học, 32 khu vực đa dạng sinh học cao, 28 cảnh quan sinh thái quan trọng, 40 vùng đất ngập nước quan trọng; đồng thời tập trung vào các giải pháp như tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; cơ chế, chính sách; khoa học - công nghệ; tài chính, đầu tư; đào tạo, tăng cường năng lực; hợp tác quốc tế; tổ chức thực hiện, giám sát thực hiện quy hoạch.

Từ nay đến năm 2030, công tác quy hoạch đa dạng sinh học đặt mục tiêu mở rộng, nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên trên phạm vi toàn quốc; diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền đạt tương đương 9% diện tích lãnh thổ đất liền; diện tích các vùng biển, ven biển được bảo tồn đạt từ 3 - 5% diện tích vùng biển tự nhiên của quốc gia; duy trì và phát triển hệ thống cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; tổng số cơ sở bảo tồn đạt 61 cơ sở với các loại hình: vườn thực vật, vườn cây thuốc, vườn động vật, trung tâm cứu hộ động vật, ngân hàng gen.

Cùng với đó, quy hoạch đa dạng sinh học hướng tới củng cố, phát triển hệ thống hành lang đa dạng sinh học nhằm kết nối các sinh cảnh, tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của các hệ sinh thái và loài sinh vật; tổng số hành lang đa dạng sinh học đạt 12 hành lang; thành lập mới hệ thống các khu vực đa dạng sinh học cao, hệ thống các khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng, danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng tại các vùng sinh thái trên phạm vi toàn quốc.

Với tầm nhìn dài hạn, Dự thảo đặt mục tiêu đến năm 2050, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm được phục hồi, bảo tồn hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá, sử dụng bền vững, mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người dân, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đất nước.

Đặc biệt, đến năm 2050, quy hoạch đa dạng sinh học sẽ bố trí định hướng không gian cho bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp định hướng sử dụng đất theo Nghị quyết số 39/2021/QH15; bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng tự nhiên với diện tích gần 9 triệu ha; phục hồi, bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên không thuộc hệ sinh thái rừng với diện tích hơn 3,3 triệu ha, bao gồm hệ sinh thái thủy vực (diện tích 1.230.830 ha), hệ sinh thái trảng cỏ - cây bụi (diện tích 2.126.075 ha).

Nguồn bài viết