Vì sao TP.HCM đề xuất cách ly F0 chỉ cần 7 ngày?

3 năm trước 238
Vì sao TP.HCM đề xuất cách ly F0 chỉ cần 7 ngày? - Ảnh 1.

Một cơ sở cách ly F0 tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

TP.HCM là địa phương đầu tiên kiến nghị thí điểm rút ngắn thời gian cách ly tập trung từ 14 ngày xuống còn 7 ngày với người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng, đã tiêm 2 mũi vắc xin và có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7.

Khỏi bệnh vẫn cách ly!

Theo số liệu cập nhật trên Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM, thời gian gần đây mỗi ngày số ca mắc của TP.HCM thường trên 1.000. Đáng chú ý số ca nhập viện luôn cao hơn số ca xuất viện, thậm chí số ca nặng, tử vong có tăng. Nếu diễn biến ca mắc tiếp tục tăng sẽ gây khó khăn về nhân lực, vật lực để chăm sóc, cách ly và điều trị.

Theo thống kê của Sở Y tế, TP.HCM hiện có hơn 70.000 F0, trong đó gần 13.000 người phải điều trị tại bệnh viện, hơn 51.000 người không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ được chăm sóc điều trị tại nhà hoặc các khu cách ly tập trung. 

Ngoài ra còn có hơn 5.300 F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà đang phải cách ly và điều trị 14 ngày tại các khu cách ly tập trung theo quy định của Bộ Y tế. Theo Sở Y tế, thời gian cách ly kéo dài cùng với số ca mắc mới gia tăng mỗi ngày như hiện nay có nguy cơ các khu cách ly tập trung và các bệnh viện tầng thấp sẽ lặp lại tình trạng quá tải.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Khê - giám đốc Trung tâm y tế quận 6 - cho biết công suất các khu cách ly tập trung của địa phương dự trù 200 - 250 giường, trong khi số F0 cách ly tập trung hiện là 250 và hơn 300 F0 khác đang cách ly tại nhà. 

"Hiện đa số F0 trên địa bàn (quận 6) đều đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và được phát các túi thuốc kháng virus Molnupiravir nên bệnh rất nhẹ. Các F0 này phần lớn có kết quả xét nghiệm âm tính 5 - 7 ngày sau khi phát hiện bệnh, do đó việc giải quyết để họ về nhà sẽ tránh quá tải cho các khu cách ly tập trung", ông Khê nói.

Đồng quan điểm này, ông Phạm Tấn Hoan - trưởng Phòng Y tế quận Phú Nhuận - cho rằng các trường hợp F0 đang điều trị tại khu cách ly tập trung nếu xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7 hoặc chỉ số nồng độ virus thấp (CT ≥ 30) nên cho xuất viện về nhà, có thể đi lại, sinh hoạt bình thường để tránh tình trạng quá tải cho các khu cách ly tập trung. 

Theo ông Hoan, rút ngắn thời gian cách ly F0 không triệu chứng ngoài việc giảm quá tải, cũng là giải pháp tạo điều kiện quan tâm đặc biệt hơn với các trường hợp như người già, người có bệnh nền mắc COVID-19.

Trong văn bản kiến nghị rút ngắn thời gian cách ly tập trung đối với F0, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - khẳng định đến nay TP.HCM đã cơ bản hoàn thành tiêm ngừa COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên (mũi 1 đạt hơn 99% và mũi 2 đạt 83%). Ngoài ra trẻ em từ 12 đến 17 tuổi cũng đã tiêm ngừa mũi 1 đạt 95% và dự kiến ngày 22-11 sẽ tiêm đại trà mũi 2.

Mặt khác từ khi sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir đã có nhiều trường hợp F0 hoàn toàn không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Đặc biệt có nhiều F0 mất hẳn các triệu chứng chỉ sau 1 tuần cách ly và có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. 

Tuy nhiên các trường hợp trên hiện vẫn phải tiếp tục cách ly đến hết thời gian theo quy định 14 ngày. "Việc kéo dài thời gian cách ly cùng với số ca mắc mới gia tăng mỗi ngày nên khó tránh quá tải tại khu cách ly tập trung và các bệnh viện", ông Thượng nhấn mạnh.

Lợi cả đôi đường

ThS Đỗ Cao Vân Anh - phó trưởng bộ môn nhiễm Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho rằng điều kiện tiên quyết để giảm thời gian cách ly tập trung với F0 là khi họ đã giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh ra cộng đồng. Với F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ sau 1 tuần điều trị hầu như đã không còn hoặc chỉ còn rất ít nguy cơ lây nhiễm, thậm chí có thể đã khỏi bệnh.

Theo bà Vân Anh, nếu nhìn lại giai đoạn vừa qua, có thể thấy việc cách ly 14 ngày, thậm chí 21 ngày khiến ngành y tế khá vất vả, phải huy động nguồn nhân lực rất lớn, làm mỏng đi lực lượng tại các bệnh viện. 

Việc điều trị COVID-19 bằng thuốc kháng virus hiện đã trở thành xu hướng của thế giới và Việt Nam cũng đã áp dụng. Điều quan trọng lúc này là làm sao chuẩn bị đủ cơ số các loại thuốc để cung cấp cho F0 sử dụng rộng rãi hơn, không để bệnh nhân thiếu thuốc. 

Bên cạnh đó nhân viên y tế phải hướng dẫn và kiểm tra việc điều trị của bệnh nhân. Nếu đạt được những vấn đề trên thì hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian cách ly tập trung còn 7 ngày.

"Nếu giảm còn 7 ngày sẽ mang lợi ích cho công tác tổ chức nhân sự, tiết kiệm ngân sách và các F0 cũng sẽ thoải mái hơn. Và để đạt hiệu quả tốt nhất, chủ trương này phải nhất quán, tức sau thời gian cách ly tập trung, khi chuyển giao về hệ thống y tế cơ sở phải có sự liên thông tiếp nhận, quản lý theo dõi", bà nói.

Khẳng định việc rút ngắn thời gian cách ly tập trung từ 14 ngày còn 7 ngày đối với F0 như đề xuất của TP.HCM là hoàn toàn phù hợp trong tình thế hiện nay, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho rằng chính sách này sẽ mang đến nhiều tác động tích cực cho công tác phòng chống dịch. 

Theo ông, với thời gian cách ly, điều trị ngắn sẽ khiến tâm lý người bệnh bớt nặng nề, F0 sẽ vui vẻ hơn và từ đó dễ khỏi bệnh. Ngoài ra, sẽ giúp giảm rất nhiều chi phí cho ngành y tế trong việc tiếp nhận chăm sóc và điều trị.

Ông Dũng cho rằng việc tiếp tục xét nghiệm nhiều lần như trước để khẳng định bệnh nhân khỏi bệnh hoặc quyết định có phải tiếp tục cách ly hay không là điều không còn phù hợp. Chính vì vậy chỉ cần đủ 3 tiêu chí không triệu chứng, đã tiêm 2 mũi vắc xin và xét nghiệm âm tính ngày thứ 7 là có thể rút ngắn thời gian cách ly. 

"Việc điều trị COVID-19 bằng thuốc kháng virus Molnupiravir thời gian qua đã mang lại hiệu quả khá cao, có tác dụng diệt virus rất tốt, một số nghiên cứu cho thấy sau khi dùng thuốc 5 ngày thì nguy cơ lây lan không còn nữa. Vì thế nếu người bệnh được sử dụng thuốc Molnupiravir thì chỉ nên cách ly tập trung trong 7 ngày, còn sử dụng thuốc khác thì nên là 10 ngày", ông Dũng phân tích.

Vì sao TP.HCM đề xuất cách ly F0 chỉ cần 7 ngày? - Ảnh 2.

(Nguồn: Sở Y tế TP.HCM, số liệu tính đến ngày 19-11) - Đồ họa: N.KH.

* Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu (phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM):

Áp dụng cả F0 ở cơ sở tập trung và ở nhà

Kiến nghị này nếu được chấp thuận sẽ áp dụng cho cả các F0 đang cách ly tại khu cách ly tập trung (không có điều kiện cách ly tại nhà) và các F0 điều trị tại nhà. Các F0 có triệu chứng nhẹ, thậm chí không triệu chứng thường chỉ như cảm cúm, sau 7 ngày có thể khỏi bệnh. Chưa kể nếu F0 được uống thuốc kháng virus Molnupiravir hầu như tải lượng virus rất thấp và khỏi bệnh sớm hơn.

Việc rút ngắn thời gian cách ly có điều kiện này ngoài giúp giảm áp lực cho hệ thống cách ly, còn giúp các F0 có tâm lý thoải mái và nhanh trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

* PGS.TS Lê Thị Anh Thư (chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM):

Chính sách đúng đắn

Tôi cho rằng nếu bệnh nhân không còn triệu chứng và có xét nghiệm âm tính, tức họ đã khỏi bệnh và nên kết thúc cách ly tập trung. Bên cạnh đó khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nếu có mắc COVID-19 thì tải lượng virus của bệnh nhân rất thấp, hầu như không có triệu chứng, nguy cơ lây lan cũng hạn chế hơn.

Do đó việc rút ngắn thời gian cách ly còn 7 ngày là đúng đắn, giúp giảm tải áp lực cho đội ngũ y tế, để họ có thêm thời gian chăm sóc những bệnh nhân nặng, mang bệnh nền khác.

Sở Y tế TP.HCM kiến nghị khẩn rút ngắn thời gian cách ly tập trungSở Y tế TP.HCM kiến nghị khẩn rút ngắn thời gian cách ly tập trung

TTO - Sở Y tế TP.HCM vừa có đề xuất khẩn với Bộ Y tế cho phép TP thí điểm rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày đối với các trường hợp F0 không có triệu chứng đã tiêm 2 mũi vắc xin và có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7.

Nguồn bài viết