Người dân ở TP.HCM tiêm vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo GS.TS Phan Trọng Lân - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, để đánh giá tình trạng lây lan của bệnh dịch dựa trên 3 yếu tố: virus gây bệnh, yếu tố nguy cơ và các biện pháp phòng chống.
Về virus, qua giải trình tự gene cho thấy nhiều trường hợp đã nhiễm biến thể Delta (B.1.167.2, phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ và hiện đã được ghi nhận ở 85 quốc gia).
Biến thể này được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xem là có khả năng lây lan nhanh, có khả năng giảm hiệu quả bảo vệ của vắc xin.
Theo đó, trong khi một người mắc bệnh chủng cũ trung bình sẽ lây cho 2-4 người khác thì chủng biến thể Alpha (B.1.1.7, phát hiện đầu tiên ở Anh và hiện đã được ghi nhận ở 170 quốc gia) có thể lây cho đến 7 người khác, còn chủng biến thể Delta ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha từ 40-60%.
Tỉ lệ lây nhiễm thứ phát (F1 dương tính) của các ca nhiễm biến thể Delta cũng cao hơn so với người nhiễm biến thể Alpha.
Một nghiên cứu cũng cho thấy ca mắc biến thể Delta có thể lây nhiễm mạnh hơn và lâu hơn.
Ông Lân cho biết tại khu vực phía Nam đã ghi nhận một số trường hợp có triệu chứng hoặc dương tính chỉ sau hơn 1 ngày tiếp xúc phơi nhiễm.
Ví dụ bệnh nhân 7488 tiếp xúc với bệnh nhân 7445 lúc trưa ngày 25-5, nhưng chỉ 32 tiếng sau, đến tối 26-5, bệnh nhân đã có triệu chứng hô hấp (chuỗi trong gia đình ở Long An). Hay trường hợp bệnh nhân 7539 (ở Đồng Tháp) tiếp xúc với bệnh nhân 7083 (ở Tiền Giang) lúc 18h ngày 29-5, nhưng chỉ sau 38 tiếng, đến 8h sáng ngày 31-5, kết quả xét nghiệm của người này đã dương tính.
"Tuy nhiên hiện chưa chắc chắn biến thể Delta gây bệnh cảnh nặng hơn. Song khi số mắc tăng cao, cũng như quá tải hệ thống y tế thì có thể dẫn đến tỉ lệ tử vong cao hơn", GS.TS Phan Trọng Lân cho hay.
Bên cạnh đó, các chuỗi lây truyền tại khu vực phía Nam hiện nay ghi nhận chủ yếu nơi diễn ra các hành vi nguy cơ cao (các hộ gia đình, nơi ăn uống chung, văn phòng cao ốc, nhà máy, xí nghiệp, các khu vực chợ đông người...).
"Đây đều là nơi diễn ra các hành vi nguy cơ cao, như giao lưu đi lại nhiều, tụ tập đông người; ở lại lâu trong các môi trường, không gian kín, kém thông khí, nói to, nói trong khoảng thời gian dài... làm tăng nguy cơ lây nhiễm" - ông giải thích.
GS.TS Phan Trọng Lân khuyến cáo người dân cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ này. "Thực hiện nghiêm quy tắc 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách an toàn - Không tập trung - Khai báo y tế thì cho dù là biến thể nào cũng khó có khả năng lây lan", ông nhấn mạnh.
Điều quan trọng nữa là từng bước nâng cao miễn dịch cộng đồng bằng cách tăng độ bao phủ vắc xin phòng COVID-19, tiêm vắc xin sớm và đủ liều sẽ giúp có được miễn dịch đầy đủ, bảo vệ bản thân cũng như người khác.