Vì sao Pháp muốn làm hòa với Mỹ nhưng phớt lờ Úc, Anh?

3 năm trước 231
Vì sao Pháp muốn làm hòa với Mỹ nhưng phớt lờ Úc, Anh? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh các nước nhóm G7 ở Anh vào tháng 6-2021 - Ảnh: AFP

Theo tuyên bố sau cuộc điện đàm ngày 22-9 (giờ Mỹ), hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp đồng ý rằng tình hình có thể đã tốt hơn với "sự tham vấn cởi mở giữa các đồng minh đối với các vấn đề về lợi ích chiến lược của Pháp và các đối tác châu Âu".

Trong khi đó, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khi được hỏi ông Biden có xin lỗi ông Macron hay không đã trả lời: "Ông ấy thừa nhận lẽ ra nên tham vấn tốt hơn". Paris cũng thể hiện thiện chí khi tuyên bố sẽ đưa đại sứ trở lại Washington.

Ván cược của ông Macron

"Thông điệp từ cuộc gọi khá tốt. Mỹ hiểu rằng cú sốc lớn đối với Paris không phải do khía cạnh thương mại mà là chính là sự đổ vỡ niềm tin" - Hãng tin AFP dẫn lời ông Benjamin Haddad, giám đốc Trung tâm châu Âu thuộc tổ chức Atlantic Council, đánh giá.

Trước cuộc điện đàm, Pháp đã triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Úc, hủy một loạt sự kiện ngoại giao, văn hóa với 3 nước tham gia AUKUS là Mỹ, Anh, Úc, một thỏa thuận mà Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cay đắng thừa nhận là Paris "đã bị đâm sau lưng". 

Một trong những điểm đáng chú nhất của AUKUS là Úc sẽ xây dựng một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự giúp đỡ của Mỹ và Anh, đồng nghĩa với việc Paris mất thỏa thuận tàu ngầm trị giá hàng chục tỉ USD với Canberra. 

Theo giới phân tích, quyết định phản ứng mạnh với Mỹ là 1 ván cược lớn với ngay cả một người táo bạo như ông Macron. Tuy nhiên, tổng thống Pháp đã đánh cược để bảo vệ những lợi ích chiến lược của nước mình.

Theo New York Times, Paris muốn thúc đẩy sự "tự chủ chiến lược" và "chủ quyền châu Âu" sau một loạt sự kiện như Afghanistan rơi vào tay Taliban, sự dửng dưng với châu Âu của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, Brexit… Tuy nhiên nhiều nước châu Âu đáp lại lời kêu gọi bằng thái độ im lặng. 

Giới phân tích nhận định việc nước Pháp bị "đâm sau lưng" sẽ làm châu Âu thức tỉnh và quay sang củng cố sự tự chủ chiến lược, giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.

Trong khi đó, Pháp có thể đóng vai trò quan trọng đối với Mỹ trong việc tập hợp liên minh tại châu Âu, nhất là với vấn đề Trung Quốc - một đối tác làm ăn lớn với nhiều nước trong khu vực. Một tuyên bố chung giữa Pháp và Đức sẽ đặt nền móng cho cái nhìn chung của châu Âu về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thực tế là tuyên bố chung của NATO hồi tháng 6-2021 lần đầu tiên đề cập đến Trung Quốc và gọi Bắc Kinh là "thách thức mang tính hệ thống", chính là nhờ sự nhượng bộ từ Pháp.

Dù về lâu dài, Pháp và Mỹ không có lựa chọn nào khác là phải khép lại tranh cãi để hợp tác với nhau đối phó với những thách thức an ninh lớn. Tuy nhiên, đây sẽ là một chặng đường dài.

Úc kiên nhẫn, Anh "châm dầu vào lửa" 

Ngược lại, Pháp vẫn chưa có dấu hiệu làm lành với Úc và có thể còn căng thẳng với Anh sau phát biểu của Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Ngày 22-9, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết ông đã gọi cho ông Macron nhiều lần nhưng không thành công. "Chúng tôi sẽ kiên nhẫn. Chúng tôi hiểu sự thất vọng của họ", ông Morrison nói. 

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu có xin lỗi tổng thống Pháp hay không, ông Morrison khẳng định ông vẫn giữ nguyên quyết định hủy hợp đồng với Paris. "Các thủ tướng phải đưa ra những quyết định khó khăn vì lợi ích của đất nước, và vì thế tôi cũng cần phải làm như vậy", ông Morrison nói.

Dù sao, Pháp và Úc vẫn là đối tác quan trọng của nhau và các chuyên gia Úc cho rằng Canberra có nhiều cách để hợp tác trở lại với Paris. Đài ABC dẫn lời nhà cựu ngoại giao Hugh Piper cho rằng Úc có thể bù đắp bằng đề xuất cho phép Pháp luân chuyển binh lính hoặc thậm chí neo tàu tại Úc. Còn theo nhà phân tích Erin Watson-Lynn, Canberra cũng có thể thể hiện thiện chí bằng việc nới lỏng thị thực cho công dân Pháp.

Trái với sự kiên nhẫn của ông Morrison, Thủ tướng Anh Boris Johnson "châm thêm dầu" vào cơn giận của Pháp với phát biểu ngày 22-9 chèn các cụm từ tiếng Pháp khi kêu gọi ông Macron kiềm chế, đồng thời ca ngợi thỏa thuận AUKUS. 

“Tôi nghĩ đây là lúc để những người bạn thân thiết nhất của chúng ta trên thế giới ‘prenez un grip’ (bình tĩnh lại) về chuyện này, 'donnez-moi un break’ (tha cho tôi đi), vì đây cơ bản là một bước tiến lớn cho an ninh toàn cầu”, ông Johnson nói.

Tuy nhiên, với Paris, phát biểu của ông Johnson không phải cách nói hài hước. Bà Nathalie Loiseau, cựu bộ trưởng phụ trách châu Âu của Pháp, cho rằng phát biểu của thủ tướng Anh cho thấy ông thậm chí không nhận ra đâu là vấn đề chính gây căng thẳng. 

 Pháp khinh thường Anh đến mức không thèm nhắc đếnHãng tin Reuters: Pháp khinh thường Anh đến mức không thèm nhắc đến

TTO - Thủ tướng Boris Johnson gọi AUKUS là "bước tiến lớn với an ninh toàn cầu" và kêu gọi Pháp kiềm chế, ngừng tức giận. Pháp không hề nhắc đến Anh dù chỉ trích Mỹ và Úc, điều mà theo Reuters là một sự khinh thường thấy rõ.

Nguồn bài viết