Hàng nhập khẩu qua cảng biển của Việt Nam 4 tháng qua giảm - Ảnh: Q.ĐỊNH
Cơ quan chức năng và chuyên gia đánh giá thực chất thế nào?
Nhiều nơi cùng giảm
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 4 tháng đầu năm 2022 đạt 240,969 triệu tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng), tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt 61,9 triệu tấn, tăng 2%; hàng nhập khẩu đạt 67,4 triệu tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2021.
Cục Hàng hải đánh giá khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 4 tháng đầu năm 2022 thấp nhất so với vài năm gần đây, mặc dù Việt Nam đã bước sang tình hình mới sau dịch COVID-19, đặc biệt hàng hóa nhập khẩu đã giảm 9%.
Những khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua giảm mạnh gồm: Bình Thuận giảm 28% (từ 5,5 triệu tấn xuống 3,7 triệu tấn), Cần Thơ giảm 25% (từ 5,3 triệu tấn xuống còn 4 triệu tấn), Kiên Giang giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các cụm cảng biển lớn như Vũng Tàu, TP.HCM, Hải Phòng đều ghi nhận giảm 0,5-4% so với cùng kỳ. Trong đó, Hải Phòng đạt 30,9 triệu tấn, giảm 0,5%; TP.HCM đạt 53 triệu tấn, giảm 2,8%; Vũng Tàu đạt 36,4 triệu tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng cục Thống kê lên tiếng
Nhận định tình hình trên, bà Nguyễn Thị Hương, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng số liệu hàng hóa thông qua các cảng biển chỉ phản ánh một phần tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Bên cạnh đường biển còn có đường sắt, đường bộ, hàng không.
Cũng theo bà Hương, 4 tháng đầu năm hàng hóa nhập khẩu giảm mạnh một phần do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao và chiến tranh Nga - Ukraine. Số liệu của Tổng cục Thống kê tính chung 4 tháng đầu năm 2022 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 122,3 tỉ USD, vẫn tăng 16,4%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 119,8 tỉ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, cả nước xuất siêu 2,5 tỉ USD.
Theo bà Hương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam thời gian qua vẫn rất tốt. Bên cạnh những khó khăn, thị trường xuất khẩu cũng có thuận lợi, ví dụ khai thác được những thị trường Nga đang bỏ trống nên kim ngạch xuất khẩu cá tra tăng mạnh.
Cẩn trọng tín hiệu suy thoái toàn cầu
Nguyên nhân hàng hóa thông qua cảng 4 tháng giảm, đặc biệt hàng hóa nhập khẩu giảm 9%, theo một số chuyên gia là do Việt Nam có tỉ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc rất lớn trong khi đang có đứt gẫy chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, theo PGS.TS Phạm Thế Anh (Trường đại học Kinh tế quốc dân), nhập khẩu giảm mạnh có thể là tín hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng tới Việt Nam. Nhưng cũng có thể xuất phát từ sự sụt giảm của các đơn hàng xuất khẩu từ bên ngoài, đặc biệt là các đối tác lớn như Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng bối cảnh cuộc chiến Nga - Ukraine chưa có hồi kết, chỉ số lạm phát toàn cầu gia tăng... khiến nhiều nước tăng trưởng chậm lại, người dân và chính phủ thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là những đối tác lớn của Việt Nam như EU, Mỹ... Nhu cầu nhập khẩu của các đối tác lớn giảm nên các doanh nghiệp trong nước đã chủ động giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu.
Ngược lại, xuất khẩu 4 tháng vẫn tăng 2% có thể do những đơn hàng đã được ký từ cuối năm 2021 và trước thời điểm chiến tranh Nga - Ukraine, nên hàng hóa xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng trong ngắn hạn, còn trong trung và dài hạn cẩn thận khả năng sẽ giảm.