Vì sao doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh vẫn khó tuyển lao động?

2 tháng trước 33

Người trẻ có xu hướng "sống ảo" 

Theo kết quả khảo sát 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại TP Hồ Chí Minh của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, có đến 23,55% doanh nghiệp trả lời gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng lao động.

Chú thích ảnhDoanh nghiệp đến trường học "săn" người lao động.

Ông Phạm Văn Cẩn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, có một số lý do khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm lao động, đó là: Người lao động có ngành đào tạo chưa phù hợp với vị trí tuyển dụng; lao động thiếu kỹ năng nghề, kỹ năng mềm; năng lực thực hành ứng dụng vào công việc thấp; doanh nghiệp không đáp ứng được nhu cầu về lương đối với lao động dự tuyển; không tìm được lao động vừa có chuyên môn cao vừa có ngoại ngữ lưu loát...

Theo ông Trương Hoàng Tâm, Phó Phòng tổ chức, Chủ tịch công đoàn In số 7 (Khu Công nghiệp Tân Tạo, Bình Tân TP Hồ Chí Minh), thị trường lao động ngành in đang rất có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhưng số trường đào tạo ngành này rất ít. Tại TP Hồ Chí Minh, chỉ có Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đào tạo ngành này. Đây là ngành vừa thiếu thầy, vừa thiếu thợ, Công ty đã nhìn thấy vấn đề này từ lâu, nên đã triển khai tự đào tạo, cũng như liên kết với trường đại học để đào tạo một số nhân lực.

Còn bà Ngô Thị Oanh Vũ, Công ty DeHues Việt Nam cho biết, người lao động trẻ hiện nay đang bị giới hạn về mặt ngôn ngữ. Bên cạnh đó, trong quá trình tuyển dụng, công ty có đưa ra những tình huống để đánh giá cơ bản nguồn nhân lực. Khi va chạm tình huống, lao động trẻ rất lúng túng và khả năng xử lý không thuyết phục; thậm chí, kỹ năng thuyết trình cũng giới hạn.

Tương tự, bà Lương Tú Anh, Công ty TNHH NodeX Asia cũng cho rằng, sinh viên ngày nay có rất nhiều điểm mạnh trong thị trường lao động. Tỷ lệ sinh viên ra trường có thái độ cầu thị rất cao, các ứng viên tìm hiểu thông tin cẩn thận về doanh nghiệp trước khi ứng tuyển việc làm. Kỹ năng mềm của nhân lực trẻ tốt, ví dụ như kỹ năng sử dụng công nghệ thông, ứng dụng trí tuệ nhân tạo… Tuy nhiên, nhân lực trẻ hiện nay vẫn có một số mặt hạn chế, cụ thể kỹ năng tay nghề và thực hành vẫn còn khá cơ bản và hạn chế. Kỹ năng giao tiếp với đồng nghiệp, kỹ năng lập kế hoạch thời gian… chưa tốt.

“Mỗi đợt sinh viên ra trường, thầy cô nào cũng mong muốn sinh viên tìm kiếm được việc làm phù hợp. Tuy nhiên, người trẻ hiện nay đang có xu hướng "sống ảo", chưa nhìn sâu vào thực tế, khiến doanh nghiệp cũng khó tuyển dụng. Tôi nghĩ các trường THPT, trường đại học nên bổ sung thêm môn học, chuyên ngành liên quan đến kỹ năng mềm”, bà Lương Tú Anh nói.

Rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp và nhà trường

Tại toạ đàm “Các vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực", do Báo Người Lao Động tổ chức mới đây, đa số các chuyên gia đều cho rằng, chương trình đào tạo của các trường ảnh hưởng rất lớn chất lượng sinh viên. Vấn đề đặt ra làm sao để giảm khoảng chênh giữa đào tạo và yêu cầu của doanh nghiệp là quan trọng.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Trường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh, khi xây dựng chương trình đào tạo phải tuân thủ chuẩn đầu ra từ kiến thức, kỹ năng, thái độ; độ "chênh" trong đào tạo và yêu cầu của doanh nghiệp càng nhỏ càng tốt. Vì vậy, khi xây dựng chương trình, trường đều mời doanh nghiệp tham gia để người học đáp ứng được số đông doanh nghiệp trong lĩnh vực.

"Phải chấp nhận độ "chênh" vì đặc thù của doanh nghiệp là khác nhau. Khi sinh viên mới tốt nghiệp cần quá trình học hỏi để thích ứng với doanh nghiệp", Tiến sĩ Lê Xuân Trường nói.

Có ý kiến cho rằng, điểm đầu vào ảnh hưởng lớn đến quá trình đào tạo; đồng thời đưa ra đề xuất, các em thi đại học điểm đạt 15 – 16 điểm thì nên chọn học cao đẳng cho phù hợp hơn là vào đại học. Thế nhưng, trên thực tế việc chọn bậc học vẫn chưa có sự thay đổi nhiều khi phần lớn các em vẫn chọn học đại học.

Theo ông Nguyễn Quang Anh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Mỹ TP Hồ Chí Minh, mỗi bậc học có những ưu điểm riêng. Với cao đẳng, thời gian học chỉ 2,5 năm, 70% thời lượng học thực hành… Trong những năm qua, trường nhận được đề nghị của nhiều tập đoàn đa quốc gia về tuyển dụng, điều này cho thấy là nhu cầu tuyển dụng cũng rất đa dạng ở các trình độ khác nhau. Vậy nên, vấn đề hiện nay là tác động như thế nào để người học chọn các bậc học phù hợp năng lực, hoàn cảnh gia đình, đất nước…

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường Đai học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Điểm chuẩn đầu vào là thang bậc đầu tiên với quá trình đào tạo, chuẩn đầu ra. Quyết định chất lượng đào tạo sẽ gắn với nhu cầu xã hội. Mặt khác, trong quá trình đào tạo, các bạn sẽ tự khẳng định tôi là ai. Ví dụ năm vừa rồi, lần đầu tiên các bạn sinh viên ngành báo chí tổ chức liên hoan phim tài liệu. Tất cả đều tự làm. Trong đêm chung kết, có những nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú đánh giá là rất giỏi. Chứng tỏ, các em được trang bị kiến thức, công nghệ, được truyền bởi những người yêu nghề. Do đó, nhiều nhà tuyển dụng đặt hàng ngay tại trường".

Cũng theo Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, điểm đầu vào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có đề thi. Do đó, những em trúng tuyển 15, 16 điểm khác hẳn những em 27, 28 điểm. Lấy ví dụ, nhất là khối C, điểm số là đánh giá một quá trình, các bạn từ 27 điểm trở lên rõ ràng có quá trình học tập nghiêm túc. Các bạn lăn tăn ngành nghề thường ở nhóm khá, trung bình; còn những bạn giỏi thì có sự lựa chọn rất rõ ràng và ổn định. Các bạn thường đặt những câu hỏi hướng về tương lai, chứ không phải chỉ ở hiện tại.

Đồng quan điểm, PGS TS Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Có thể thấy những năm gần đây, nhất là các bạn Gen Z, các bạn rất giỏi vì tiếp cận xã hội, công nghệ, nâng cao bản thân. Vì vậy, nhà trường tiếp nhận được những lứa sinh viên rất năng động. Các bạn ở phổ điểm cao là các bạn đã xác định rõ tôi là ai, tôi đang mong muốn gì? Chính các bạn đã khiến nhà trường thay đổi nhiều phương thức đào tạo, phương thức tiếp cận để đưa các bạn ra thị trường lao động ngoài kia".

Ngoài ra, các chuyên gia còn cho rằng, các em lứa tuổi 18 thường chọn nghề theo sở thích chứ chưa chắc đã phù hợp năng lực. Các em thường đăng ký theo xu hướng, theo phong trào mà không biết học ngành đó ra trường làm gì. Bên cạnh đó, thí sinh ngày nay rất chủ động trong chọn nghề nhưng không thoát được sự bảo bọc của cha mẹ, các em vẫn còn chịu áp lực rất lớn từ gia đình.

Nguồn bài viết