Vé máy bay đại hạ giá, có vé chỉ 6.000 - 9.000 đồng/vé, nhưng vẫn vắng khách

3 năm trước 533
Vé máy bay đại hạ giá, có vé chỉ 6.000 - 9.000 đồng/vé, nhưng vẫn vắng khách - Ảnh 1.

Lượng khách đi lại giảm mạnh, các hãng bay đua giảm giá vé để kích cầu - Ảnh: C.TRUNG

Trong khi đó, các tour du lịch tiếp tục được dời sang tháng 7 và 8 sau khi các công ty lữ hành thừa nhận khó khởi hành tour như kế hoạch.

Vé máy bay "siêu rẻ"

Các hãng bay Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Bamboo Airways vừa tung hàng ngàn vé máy bay giá siêu rẻ trên nhiều chuyến bay nội địa cho giai đoạn bay từ cuối tháng 5 đến 30-6. Theo đó, từ nay đến ngày 16-6, Vietnam Airlines mở bán vé chỉ 39.000 đồng/vé cho chặng bay ngắn như TP.HCM - Phú Quốc/Đà Lạt/Nha Trang và 99.000 đồng/vé cho chặng bay dài như TP.HCM - Hà Nội/Thanh Hóa...

Pacific Airlines cũng vừa mở bán vé máy bay chỉ từ 9.000 đồng/vé trên toàn mạng bay nội địa của hãng. Tương tự, trong tháng 6, Bamboo Airways tung ra hơn 60.000 vé bay đồng giá 6.000 đồng/vé trên 60 đường bay nội địa. Dù giá vé rẻ nhưng tổng số tiền hành khách phải trả khi mua vé khoảng 450.000 - 720.000 đồng/vé khi tính cả thuế phí như sân bay, soi chiếu...

Các đại lý bán vé máy bay khẳng định mức giá này khá rẻ so với giá vé từ 1,5 - 2 triệu đồng/chặng đến các điểm du lịch vào những dịp hè trước đây. Theo đại diện một hãng bay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm đứt gãy đột ngột nhu cầu đi lại của khách hàng, thậm chí có một số chuyến bay chỉ đạt 40% lượng khách. Hành khách sụt giảm đột ngột khiến các sân bay vắng hoe, số chuyến bay khai thác rất thấp.

Ông Trần Doãn Mậu - giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam - cho biết trong 3 tuần vừa qua, số lượt bay tại các sân bay giảm mạnh, thậm chí có những sân bay không có chuyến bay khai thác như Buôn Ma Thuột, Rạch Giá, Cà Mau... 

Theo Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), số lượng các chuyến bay tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài chỉ còn 120 - 150 chuyến/ngày, giảm mạnh so với con số khoảng 550 - 720 chuyến/ngày tại Tân Sơn Nhất và 540 chuyến/ngày tại sân bay Nội Bài trước lễ 30-4.

Nhiều tour tiếp tục hủy, hoãn

Trong khi đó, một số địa phương cũng tạm ngưng nhận khách từ TP.HCM. Từ ngày 30-5, Bình Thuận đã tạm dừng đón khách du lịch đến từ các địa phương có diễn biến dịch phức tạp như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Giang và Bắc Ninh cho đến khi có thông báo mới.

Các điểm du lịch của TP.HCM cũng đã tạm đóng cửa để chống dịch. Nhiều công ty du lịch, lữ hành tại TP.HCM cho biết dù trong ngày cuối tuần nhưng các nhân viên vẫn làm việc để điều chỉnh hợp đồng, thông báo hoãn và dời các tour có ngày khởi hành giữa tháng 6 và trong tháng 7 sang tháng 8 tùy diễn biến dịch bệnh, áp dụng cho tất cả các tour đến và đi từ TP.HCM.

Theo đại diện TST Tourist, 100% tour khởi hành trong tháng 5 đã bị hủy hoặc hoãn, các tour du lịch dịp hè vào tháng 6 và 7 cũng được dời lịch và linh hoạt xử lý theo yêu cầu của khách hàng. "Với tình hình hiện nay, chúng tôi cho rằng ít nhất đến tháng 8 thị trường mới có nhiều hy vọng", đại diện doanh nghiệp này cho biết.

Đại diện Lữ hành Fiditour - Vietlux cho biết tất cả các tour đều buộc phải tạm ngưng vì dịch lan rộng. Các doanh nghiệp phải điều hướng dịch vụ, xử lý tour, phối hợp cùng hàng không thay đổi các hành trình, bảo đảm quyền lợi cho du khách. "Trong các dịch vụ, thủ tục hoãn và dời chuyến bay là cần nhiều thời gian nhất. Tuy nhiên, nhiều du khách rất hợp tác", vị này cho biết.

Từ ngày 21 đến 27-5, theo ACV, tổng số chuyến bay khai thác 21 sân bay chỉ đạt 463 - 518 chuyến/ngày, tức chưa bằng 1 ngày khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất vào thời điểm khách đi lại đông dịp lễ 30-4. Riêng ngày 27-5, tại sân bay Tân Sơn Nhất có 139 lượt chuyến bay nội địa và tại sân bay Nội Bài là 78 lượt chuyến. Trước đó, từ ngày 17-5, sân bay Nội Bài phải tạm dừng khai thác sảnh E, chỉ khai thác tại sảnh A và B nhà ga hành khách T1 do lượng khách đi lại bằng máy bay giảm mạnh.

Dân làm tour du lịch Dân làm tour du lịch 'gác kiếm', xoay nghề trong bão dịch COVID-19

TTO - Nhiều dân làm du lịch chuyển sang kinh doanh bất động sản, giáo viên tiếng Anh, bán hàng online, vận chuyển hàng hóa, chạy Grab, kể cả về quê. Chỉ ít chủ tour có tiềm lực còn duy trì hoạt động ở mức nhỏ nhất để cầm cự, chờ dịch bệnh lắng xuống.

Nguồn bài viết