Vào 'trạm năng lượng' Bầu trời bên trong

2 năm trước 214
Vào trạm năng lượng Bầu trời bên trong - Ảnh 1.

Bà Trương Thị Thanh Tâm (CEO Công ty CP ATZ Life) - Ảnh: C.TR.

Trong một con hẻm trên đường Dương Quảng Hàm (phường 6, quận Gò Vấp, TP.HCM) suốt 7 tháng nay, bà Trương Thị Thanh Tâm (60 tuổi) đã cho ra đời một "trạm năng lượng" mang tên "Bầu trời bên trong", hỗ trợ những ai đang gặp trở ngại tâm lý, truyền cảm hứng tích cực để mọi người chiến thắng COVID-19.

Thực hành lòng biết ơn

Nhiều năm trước, bà Tâm là một giáo viên dạy hóa sinh tại Đà Nẵng. Sau đó, bà vào TP.HCM. Khi dịch bệnh ập đến, bà Tâm đau đáu việc giúp mọi người tự chữa lành những vết thương tâm hồn. Và chính từ bộ môn thiền tâm trí mà bản thân theo đuổi suốt gần 20 năm qua, tháng 6-2021, bà Tâm gầy dựng "trạm năng lượng" miễn phí và khởi động chuỗi hoạt động "Bầu trời bên trong".

Bà kết nối với mọi người qua Internet bằng những buổi thực hành về lòng biết ơn, lối sống tích cực để thích ứng với cuộc sống. Những câu chuyện chia sẻ với mọi người: cuộc sống hối hả thường ngày, tham vọng và mưu cầu khiến những giá trị cao quý của sự quan tâm, lòng yêu thương... bị lãng quên. Bà Tâm hướng dẫn mọi người dùng năng lượng từ sức mạnh nội tâm để tăng nguồn suy nghĩ tích cực.

"Trở về - Biết ơn - Yêu thương và Chữa lành" là thông điệp mà bà Tâm lồng ghép qua những buổi chia sẻ, truyền cảm hứng đến mọi người xung quanh.

Với bà, trở về đơn giản là trở về với hơi thở của mình, với chính ngôi nhà của gia đình. Yêu thương xuất phát từ những hành động chăm sóc chính mình và người thân. Biết ơn khi được yêu thương, khi có những người thân luôn mong đón mình, đôi khi là lòng biết ơn với chính những gì mình đang có, với từng sự cố xảy ra. Coi trọng những điều nhỏ nhặt xung quanh ta, đó cũng là quá trình chữa lành.

"Cô ơi, con đã cười"

12h trưa. "Reng...". Cuộc nói chuyện bị gián đoạn bởi tiếng chuông điện thoại reo lên. "Xin lỗi, chắc ai đó đang cần tâm sự", bà Tâm nói rồi vội bắt máy. Ở đầu dây bên kia vang lên tiếng của một người phụ nữ: "Cô ơi, con đã cười...". Xen kẽ với tiếng nói là những lần khóc nấc xúc động.

Bên này, bà Tâm mỉm cười hạnh phúc. "Đó cũng là những gì tôi mong đợi khi thực hiện dự án này, đôi khi chỉ là nụ cười của ai đó", bà Tâm tâm sự.

Bà Tâm cũng cho biết mải chạy theo những giá trị bên ngoài dễ khiến con người ta rơi vào trạng thái hoang mang, hoảng sợ, thậm chí trầm cảm khi vấp phải một sự cố nào đó. "Rõ ràng nhất là đợt dịch bệnh vừa rồi, nhiều người tâm sự với tôi rằng họ hoàn toàn mất phương hướng", bà Tâm nói.

Như chị Phan Thị Liên (28 tuổi, ở quận Bình Tân) là người thực hiện cuộc gọi vừa rồi. Thất nghiệp ba tháng trời, bản thân trải qua chuỗi ngày đầy đau đớn khi vừa chiến đấu với SARS-CoV-2 vừa đón nhận hung tin về một người thân đã không qua khỏi vì COVID, chị Liên rơi vào tình trạng hoảng hốt, khủng hoảng.

"Có những tuần liền tôi chẳng nói chuyện cùng ai thì lấy đâu cảm xúc để biết cười, lúc đó nụ cười là thứ gì đó xa xỉ lắm", chị Liên nhớ lại.

Nhưng giờ mọi chuyện đã khác. Chị Liên đã khỏe mạnh trở lại, cũng cười nói nhiều hơn. Dù hiện vẫn thất nghiệp, thế nhưng chị vẫn luôn giữ cho mình một tinh thần thoải mái nhất. Chị Liên tâm sự: "Hành trình 28 ngày biết ơn khi tham gia chương trình của cô Tâm, cho tôi biết rằng mình cần phải làm gì, bởi không gì ngoài tình yêu thương, sự sẻ chia và lối nghĩ tích cực giúp được tôi tại thời điểm ấy".

Chị Trần Thị Thu Hương (33 tuổi, sống ở quận 7) nhớ lại cảm xúc của mình khi trải qua những ngày điều trị COVID-19. Cuộc sống của chị vốn khó khăn, thất bại, cộng thêm bị nhiễm virus, chị Hương sống trong buồn tủi và thất vọng kéo dài.

Là một trong những người đầu tiên tham gia chuỗi hoạt động "Bầu trời bên trong", chị Hương dần lấy lại sinh khí của mình. "Nghe cô Tâm chia sẻ mà tôi giật mình, thì ra những gì tôi gồng mình tìm kiếm chỉ tích lũy cho mình thêm gánh nặng. Tôi đã tập luyện cách nghĩ tích cực và hạnh phúc, thoải mái lên từng ngày", chị Hương tâm sự.

Ngay trong thời điểm dịch bệnh ở TP.HCM lên đỉnh điểm, màn hình máy tính là những gì giúp mọi người kết nối nhau. Hơn 10.000 người đã tham gia các chương trình của dự án "Bầu trời bên trong".

Mới đây, bà Tâm là báo cáo viên, trình bày các giải pháp của dự án "Bầu trời bên trong" cùng đại diện Bộ Y tế, cơ quan quản lý nhà nước và y bác sĩ đầu ngành tại hội thảo "Bảo vệ sức khỏe, thích ứng an toàn với dịch COVID-19" do báo Tiền Phong tổ chức.

song tu te

Bà Tâm trao tặng quà cho người lao động nghèo tại TP.HCM - Ảnh: NVCC

Suốt nhiều năm qua, bà Trương Thị Thanh Tâm cùng cộng sự của mình đã trao hàng ngàn phần quà đến những người khó khăn khi đêm về. Những ngày này, cả nhóm cũng đang nô nức người chuẩn bị nguyên liệu, người lo củi lửa, gói nấu hàng trăm đòn bánh tét, bánh chưng tặng người nghèo khó trong dịp Tết sắp đến.

Phần bà Tâm đảm nhiệm là chuẩn bị những tấm thiệp mang thông điệp yêu thương để gắn lên những phần quà.

"Soi gương, thương mình"'Soi gương, thương mình'

TTO - Đứng trước gương ngắm nhìn 'đứa trẻ bên trong', chúng ta có thể buông bỏ những lớp mặt nạ bảo vệ. Vòng tay ôm lấy chính mình, dịu dàng và hào phóng nói lời yêu thương dành tặng bản thân.

Nguồn bài viết