Vun bồi tình yêu sử Việt trong trái tim những người trẻ

2 năm trước 152
Vun bồi tình yêu sử Việt trong trái tim những người trẻ - Ảnh 1.

Đội giải nhất chung cuộc hội thi vui mừng với chiến thắng vừa nhận - Ảnh: K. ANH

Nhiều gợi ý từ những trăn trở của những nhà lão thành cách mạng, những nhà chuyên môn trong lĩnh vực sử học… đã mang đến tọa đàm những giải pháp nhằm lan tỏa, vun bồi tình yêu sử Việt trong trái tim những người trẻ.

Chị Phan Thị Thanh Phương, bí thư Thành Đoàn TP.HCM, cho rằng thông qua các hoạt động giáo dục truyền thống của tổ chức Đoàn - Hội - Đội, việc học tập lịch sử sinh động, sâu sắc, hấp dẫn. 

Có học lịch sử, thanh thiếu nhi mới thấy dân tộc ta, đất nước ta, thành phố của chúng ta có một bề dày lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước rất hào hùng, oanh liệt, với biết bao sự kiện, sự việc mà chúng ta có thể dành nhiều thời gian để suy ngẫm, thảo luận.

Chúng ta không thể đánh giá qua điểm số của môn lịch sử để nói giới trẻ thờ ơ với lịch sử. Tổ chức Đoàn cần hỗ trợ các cá nhân, nhóm có ý tưởng về cách lan tỏa sử Việt; phải có kênh chính thống trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội để giới trẻ tham khảo những kiến thức lịch sử; tận dụng các kênh trên Internet để truyền thông và không quá khắt khe với những sáng tạo của giới trẻ.

Ông Nguyễn Hoàng Nguyên (phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ)

Giúp gen Z không đứt gãy với truyền thống dân tộc

Ông Hoàng Đôn Nhật Tân, CLB Truyền thống Thành Đoàn TP.HCM, nói: "Đoàn và các cơ quan chức năng cần tìm hiểu thế hệ 4.0 để có giải pháp giáo dục thích hợp. Nhân loại bước vào giai đoạn mới, hình thành lớp trẻ mới gen Z và sau Z… Thế hệ Z tạo ra những xu hướng mới, sống công nghệ, học công nghệ, ăn công nghệ, nên thực ra rất khó hình dung thế hệ cha ông thời chưa có công nghệ, Internet… do vậy việc kết nối thế hệ này là một thách thức, giúp họ không bị đứt gãy với truyền thống của dân tộc".

Ông Phạm Chánh Trực - nguyên phó bí thư thường trực Thành Ủy TP.HCM, nguyên bí thư Thành Đoàn, chủ nhiệm CLB Truyền thống Thành Đoàn - gợi ý nhiều phương thức để lan tỏa tình yêu với lịch sử: "Người trong cuộc kể chuyện lịch sử, nhà nghiên cứu khoa học kể chuyện lịch sử sinh động cũng là phương pháp phổ biến, gần gũi, thuận tiện. Tổ chức những cuộc thi "Tự hào sử Việt" là phương pháp giáo dục lịch sử bằng "động não quần chúng"".

Góp ý về phương thức tuyên truyền lịch sử, giáo dục truyền thống thông qua các ca khúc cách mạng, truyền tải bằng phương thức mới, bạn Trương Hà Vi, chủ nhiệm CLB văn nghệ xung kích Trường đại học Sài Gòn, chia sẻ đây cũng là cách lan tỏa tình yêu sử Việt nhẹ nhàng đi vào lòng người.

Thông qua những câu chuyện thực tế tại những buổi giao lưu về lịch sử và truyền thống với tuổi trẻ học đường, PGS.TS Hà Minh Hồng, phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.HCM, cho rằng tuổi học trò ở phổ thông dù sao vẫn là tuổi chơi, việc học và việc chơi (chơi game, các sân chơi) đều là nhu cầu làm sao chơi cũng là học, học thích như chơi. 

Lịch sử ở nhà trường là môn học có thể tạo ra nhiều sân chơi thiết thực phù hợp với tuổi trẻ. Thầy cô giáo trong nhà trường có thể là người đạo diễn, người đóng vai, là thần tượng của học sinh được không? 

Nhà trường cần chủ động phân phối chương trình môn học sao cho có nhiều lớp học, buổi học ngoài nhà trường gắn với thực tiễn xã hội.

Tận dụng công nghệ và không gian mạng

Bạn Ngô Lê Duy, đại diện nhóm Việt phục Hoa Niên, chia sẻ tình yêu với lịch sử không chỉ thông qua điểm số mà tình yêu sử còn thể hiện qua niềm say mê, yêu thích các tác phẩm văn học về đất nước, truyền thống. 

Tuy nhiên giới trẻ ngày nay đòi hỏi nhiều hơn. Câu chuyện của nhóm Duy là trong quá trình học tập và tìm hiểu cho thấy văn hóa nước ngoài dễ dàng tiếp cận qua hình ảnh, Internet… trong khi muốn tìm hiểu về đất nước mình trong những triều đại trước đây lại rất khó tìm kiếm hình ảnh. Hãy để cho người trẻ bắt tay cùng làm để truyền đi tình yêu lịch sử qua trang phục, văn hóa vật chất…

TS Quách Thu Nguyệt, nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Trẻ, nói sự đa dạng, hấp dẫn, sáng tạo, biến hóa không ngừng của các phương tiện, loại hình ứng dụng công nghệ hiện đại trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí thu hút và chinh phục giới trẻ toàn cầu, trong đó có giới trẻ Việt.

Những nhược điểm tồn tại bởi các hình thức thể hiện đơn điệu, nghèo nàn của sách vở.

Theo TS Nguyễn Tiến Vinh, thành viên Hội đồng bộ môn lịch sử Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, tổ trưởng bộ môn lịch sử Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, tuyên truyền trên mạng xã hội cần kết hợp tương tác để tạo nên tác phẩm đa phương tiện (multimedia news package) hấp dẫn, mới mẻ về hình thức lẫn nội dung như video, bài hát, thông tin đồ họa (infographic), tin theo dòng sự kiện (timeline), kể chuyện (megastory), câu hỏi trắc nghiệm cung cấp thông tin... 

Chúng ta có thể xây dựng các phim ngắn nói về các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, xây dựng các trang fanpage truyền thông, xây dựng các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, bảo tồn di sản...

Ban tổ chức cũng đã tổng kết hội thi và trao giải thưởng cho các thí sinh. Đội đoạt giải nhất chung cuộc gồm bốn bạn: Trương Văn Hoài Khanh, Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM; Phạm Quang Thắng, Đoàn khối Dân Chính Đảng TP.HCM; Nguyễn Minh Trí, Trường đại học Kinh tế TP.HCM và Hà Thị Kim Khánh, Đoàn Trường đại học Sư Phạm TP.HCM.

Hội thi thu hút hơn 80.000 lượt thi trực tuyến của các đoàn viên, thanh niên, đội viên của TP.HCM và bạn đọc báo Tuổi Trẻ trên toàn quốc. Ban tổ chức tiếp nhận hơn 130 sản phẩm tuyên truyền và hơn 100 hiến kế lan tỏa sử Việt.

Khởi động hội thi Khởi động hội thi 'Tự hào sử Việt' năm 2022

TTO - Sáng 26-7, tại Trường đại học Sư phạm TP.HCM, Thành đoàn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ đã khai mạc hội thi Tự hào sử Việt lần VI năm 2022 với chủ đề 'Tự hào tiếp bước'.

Nguồn bài viết