Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự cuộc họp trực tuyến không chính thức của các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) - Ảnh: BNG
Tối 16-7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Đây là cuộc họp được Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern triệu tập khẩn cấp, chưa có tiền lệ trong APEC.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thực tế ứng phó với dịch bệnh trong hơn một năm qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các nền kinh tế thành viên APEC.
Cụ thể, điểm trước tiên là không bỏ ai lại phía sau, và giúp người dân nhận thức đúng về dịch, được sự đồng tình chung tay hành động của người dân.
Chủ tịch nước nhấn mạnh các biện pháp kiểm soát dịch một cách tổng thể, khoa học, bao trùm luôn là những yếu tố quan trọng hàng đầu.
"Bởi vì, dù chỉ còn một nền kinh tế/một người chưa an toàn về dịch thì chúng ta sẽ không thể hoàn toàn an toàn", Chủ tịch nước nói.
Điểm thứ hai là vai trò của vắc xin đối với triển vọng phục hồi kinh tế. Theo đó, chuyện phục hồi kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào khả năng tiếp cận kịp thời, bình đẳng với giá cả hợp lý và thực hiện tiêm chủng hiệu quả nguồn vắc xin có chất lượng.
Điểm thứ ba là vai trò của việc tăng cường ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số là những nền tảng quan trọng cho kiểm soát dịch hiệu quả và góp phần vào phát triển bền vững.
Trước những kinh nghiệm này, Chủ tịch nước đề xuất 3 nội dung hợp tác cho APEC. Tuổi Trẻ Online xin trích lại nguyên văn:
"Trước hết, APEC là nơi có nhiều trung tâm sản xuất, cung ứng vắc xin hàng đầu thế giới, chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác khu vực về chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất vắc xin. Cần nghiên cứu khả năng xây dựng Thỏa thuận tạm thời của APEC về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin COVID-19.
Thứ hai là xây dựng bộ hướng dẫn của APEC về duy trì chuỗi cung ứng trong các tình huống khẩn cấp nhằm đảm bảo dòng chuyển động của các nền kinh tế, không để đứt gãy chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu như vừa qua.
Thứ ba, thực hiện phương châm "không ai bị bỏ lại phía sau", APEC cần triển khai nhanh các chương trình hợp tác, phối hợp chính sách về: (i) hỗ trợ các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương; (ii) nâng cao tính tự cường và năng lực thích ứng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ tạo ra nhiều việc làm, thu nhập; (iii) đào tạo, chuyển đổi kỹ năng cho người lao động, thu hẹp khoảng cách số giữa đô thị, nông thôn và người dân".
Trong phát biểu này, Chủ tịch nước cũng khẳng định Việt Nam hoan nghênh và chúc thành công cho các sự kiện thể thao lớn như Thế vận hội Olympic, Paralymic Tokyo 2020, và Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022.