Việt Nam đóng góp hiệu quả trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu

2 tháng trước 32
Chú thích ảnhDiện tích rừng của người dân ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh minh họa: Hồ Cầu/TTXVN

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế đến từ Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Ngân hàng Thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành khẳng định, tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal từ năm 1994, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một nước thành viên.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, đến nay, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn các chất CFC, halon, CTC và HCFC-141b nguyên chất sử dụng trong sản xuất xốp; thực hiện kiểm soát tốt các chất theo quy định của Nghị định thư Montreal. Chất Methyl bromide chỉ còn sử dụng cho mục đích khử trùng. Đối với các chất HCFC, HFC vốn phổ biến trong lĩnh vực làm mát, Việt Nam giảm dần sử dụng và loại trừ theo giai đoạn, tiến tới dừng nhập khẩu các chất HCFC vào năm 2040 và loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận về công tác quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát, triển khai hoạt động làm mát bền vững tại Việt Nam; thực tiễn chuyển đổi công nghệ và hoạt động thu gom, tái chế và xử lý các chất được kiểm soát tại Việt Nam…

Bà Megumi Seki, Thư ký điều hành, Ban Thư ký ozone quốc tế đánh giá sau 30 năm tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm cao; nỗ lực thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo thống kê của Ban Thư ký ozone quốc tế công bố tại kỳ họp tháng 7 vừa qua, Việt Nam đã loại trừ tiêu thụ 220 triệu tấn CO2 tương đương từ khi tham gia đến nay. 

Các đại biểu cho rằng, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal cũng như Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11/6/2024, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý, loại trừ chất được kiểm soát và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật; hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động chuyển đổi công nghệ sử dụng các chất thân thiện với khí hậu, cải thiện hiệu suất năng lượng của thiết bị làm mát; thúc đẩy thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất được kiểm soát. Bên cạnh đó, cần triển khai tập huấn, tăng cường năng lực về quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát cho đội ngũ cán bộ thực thi, giám sát thực hiện pháp luật…

Nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ tầng ozone, năm 1985 các quốc gia trên thế giới đã thông qua Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone, đánh dấu mốc khởi đầu quan trọng cho công tác bảo vệ tầng ozone trên quy mô toàn cầu. Đến năm 1987, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone trong khuôn khổ Công ước Vienna được ra đời với mục tiêu quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone theo lộ trình.

Phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1994 đã quyết định chọn ngày 16 tháng 9 là Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone. Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone được tổ chức không chỉ để vinh danh những thành tựu đạt được trong suốt quá trình thực hiện Nghị định thư Montreal mà còn đặt ra các mục tiêu sâu sắc hơn trong tương lai, các quốc gia trên thế giới chung tay hành động vì khí hậu và bảo vệ sự sống trên hành tinh.

Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone năm 2024 được Ban Thư ký ozone quốc tế lựa chọn chủ đề “Nghị định thư Montreal: Thúc đẩy hành động vì khí hậu”.

Nguồn bài viết