Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt tập trận, không xâm phạm chủ quyền

3 năm trước 301
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt tập trận, không xâm phạm chủ quyền - Ảnh 1.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng - Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO

Chiều 5-8, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế.

"Việc Trung Quốc tập trận tại quần đảo Hoàng Sa là hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần trong Tuyên bố chung của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình và không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc với ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), việc duy trì hòa bình và hợp tác ở Biển Đông", bà Thu Hằng nhấn mạnh.

Trước đó, theo thông báo ngày 4-8 của Cục Hải sự Hải Nam (Trung Quốc), khu vực tập trận nằm ở phía bắc Biển Đông và có diện tích lên hơn 100.000km2. Khu vực này cũng bao phủ phần lớn quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh dùng vũ lực xâm chiếm.

Thông báo nêu rõ mọi tàu bè bị cấm ra vào khu vực tập trận trên từ 0h ngày 6-8 đến hết ngày 10-8. Hiện chưa rõ các khoa mục huấn luyện cũng như quân/binh chủng nào của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ tham gia.

"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chấm dứt và không tái diễn hoạt động vi phạm tương tự, làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh quan điểm.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt tập trận, không xâm phạm chủ quyền - Ảnh 2.

Thông báo của Cục Hải sự Hải Nam về cuộc tập trận ngày 6-8 - Ảnh chụp màn hình

PLA thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận trên Biển Đông trong vài năm trở lại đây, với quy mô ngày càng lớn. Theo giới quan sát quân sự, cuộc tập trận lần này bao phủ một diện tích lớn chưa từng có.

Động thái diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang có 2 cuộc tập trận lớn tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo báo South China Morning Post của Hong Kong, mục đích các cuộc tập trận này nhằm "gửi thông điệp đến Nga và Trung Quốc".

Hồi tháng 7 và tháng 8 năm ngoái, khi Mỹ đưa ra quan điểm mới về tranh chấp hàng hải trên Biển Đông, các lực lượng của PLA cũng đã tiến hành các cuộc tập trận trái phép tại quần đảo Hoàng Sa.

Trong cuộc tập trận tháng 8-2020, theo báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản, lực lượng tên lửa của PLA đã bắn 2 tên lửa đạn đạo diệt hạm từ một căn cứ trong đất liền và "đánh trúng mục tiêu đang di chuyển trên Biển Đông".

Trong hội nghị ASEAN - Trung Quốc ngày 3-8 thuộc chuỗi hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần 54, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định "tình hình Biển Đông nhìn chung ổn định nhờ vào các nỗ lực chung của Trung Quốc và ASEAN". Theo ông Vương, các nước trong khu vực nên cảnh giác với một số nước bên ngoài "đang phá hoại hòa bình, ổn định trong khu vực".

Thấy gì từ lời hứa của Trung Quốc ở Biển Đông?Thấy gì từ lời hứa của Trung Quốc ở Biển Đông?

TTO - Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 54 năm nay, cùng chuỗi 20 hội nghị kèm theo, tuy trực tuyến "nhà ai, người ấy ở" và không chạm trán bằng xương bằng thịt song đang diễn ra trong một bầu không khí căng thẳng hơn năm ngoái.

Nguồn bài viết