Việt Nam - vùng trũng lạm phát, nhờ đâu?

2 năm trước 146
Việt Nam - vùng trũng lạm phát, nhờ đâu? - Ảnh 1.

Người dân mua thực phẩm tại siêu thị - Ảnh: Q.ĐỊNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ về tình hình lạm phát trong 7 tháng đầu năm, bà Nguyễn Thị Hương, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết:

- Lạm phát (CPI) tháng 7-2022 tăng 0,4% so với tháng trước, tính chung 7 tháng đầu năm nay CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này là một thành công trong kiểm soát giá cả của Chính phủ, tạo nền tảng để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% đã đề ra trong năm 2022.

* Thưa bà, CPI tăng ở mức vừa phải trong 7 tháng qua, nhờ đâu?

- Nguyên nhân chủ yếu làm CPI 7 tháng qua tăng là giá xăng dầu tăng 49,75% so với cùng kỳ năm trước. Qua 19 đợt điều chỉnh (6 đợt giảm, 13 đợt tăng) làm CPI tăng 1,79 điểm phần trăm.

Giá gas tăng 23,78%, góp phần làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm.

Dịch COVID-19 được kiểm soát, người dân ăn uống bên ngoài nhiều hơn cũng làm giá tăng 3,81% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 7 tháng tăng 7,84% so với cùng kỳ năm trước do giá ximăng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào. Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu làm cho giá gạo 7 tháng đầu năm 2022 tăng 1,15% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam - vùng trũng lạm phát, nhờ đâu? - Ảnh 2.

* Nhưng so với thế giới, CPI tại Việt Nam dù có tăng nhưng không quá rát, nguyên nhân làm giúp giá cả tại Việt Nam không tăng mạnh như nhiều nước khác?

- Chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp tổng thể để kiểm soát giá cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đóng góp lớn vào CPI hiện nay.

Như 2 lần giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống 8%, giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022.

Các nhóm hàng có tác động lớn tới CPI cũng được kiểm soát rất chặt chẽ. Trong đó dịch vụ giáo dục chưa tăng giá theo lộ trình, thậm chí các địa phương còn miễn, giảm học phí để chia sẻ khó khăn cho người dân đã giúp chỉ số giá dịch vụ giáo dục 7 tháng đầu năm giảm 3,42% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm.

Đối với giá dịch vụ khám chữa bệnh, theo lộ trình năm 2021 phải hoàn thành, tính đủ các chi phí theo quy định. 

Tuy nhiên, để chia sẻ khó khăn với người dân, việc điều chỉnh này đến nay chưa hoàn thành cũng góp phần kiểm soát lạm phát vì thời gian qua nhóm giáo dục và nhóm thuốc, dịch vụ y tế đóng góp khá lớn trong rổ hàng hóa tính CPI với tỉ trọng chiếm lần lượt 6,17% và 5,39%.

Thêm vào đó, giá bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng chưa tăng mặc dù chi phí đầu vào của ngành này như giá xăng dầu, giá than đều đã tăng rất cao. 

Chúng ta kiểm soát được giá bán điện một phần nhờ khai thác tối đa được công suất thủy điện do năm nay lượng mưa lớn, sản lượng điện mặt trời, điện gió ngày càng tăng nên hạn chế được công suất điện than, điện khí.

Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành liên tục chỉ đạo các địa phương thực hiện quản lý giá trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình bình ổn giá, đảm bảo đầy đủ các hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, đặc biệt là mặt hàng lương thực, thực phẩm.

Việt Nam cũng giống như nhiều nước ở khu vực châu Á, sử dụng gạo nhiều hơn lúa mì trong khi giá lúa mì trên thế giới đang tăng cao, nhất là khi xảy ra chiến sự ở Ukraine.

Bên cạnh đó, thịt heo tháng 7-2022 tăng 4,29% so với tháng trước nhưng tính chung 7 tháng năm 2022 giá thịt heo vẫn giảm 18,97%.

Do đó, mặc dù chỉ số giá nhiều mặt hàng thực phẩm bình quân 7 tháng năm 2022 tăng rất cao như dầu ăn tăng 17,08%; trứng tăng 11,92%; rau tăng 12,59%; thủy sản tươi sống tăng 4,24%..., nhưng riêng thịt heo giảm giá đã tác động làm CPI giảm tới 0,7 điểm phần trăm.

Việt Nam - vùng trũng lạm phát, nhờ đâu? - Ảnh 3.

Biến động giá của 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ trong 7 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước - Đồ họa: TẤN ĐẠT

* Để thực hiện mục tiêu kiểm soát CPI dưới 4%, theo bà, cần có giải pháp gì?

- Để kiềm chế CPI tăng cao trong những tháng cuối năm, chúng ta cần thực hiện cùng lúc 5 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, CPI trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, CPI của Việt Nam. 

Đặc biệt, cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp. Kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu.

Thứ hai, Bộ Công thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp quỹ bình ổn xăng dầu để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này đối với CPI chung của nền kinh tế.

Thứ ba, đối với các nguyên liệu đầu vào quan trọng như sắt thép, vật liệu xây dựng cần thúc đẩy tăng năng lực sản xuất trong nước, ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước hơn thị trường xuất khẩu. Đồng thời chủ động bình ổn giá các mặt hàng, không để xảy ra tăng giá bất hợp lý.

Thứ tư, điều hành linh hoạt đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát CPI theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đời sống người dân chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Thứ năm, tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng CPI.

* Xin cảm ơn bà!

Việt Nam - vùng trũng lạm phát, nhờ đâu? - Ảnh 4.

Việc chưa hoàn thành điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh góp phần kiểm soát lạm phát trong thời gian qua. Trong ảnh: người dân khám bệnh tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) - Ảnh: D.PHAN

Coi chừng CPI dồn vào tháng cuối năm

Dù CPI trong 7 tháng năm 2022 được kiểm soát tốt nhưng áp lực CPI trong những tháng cuối năm rất lớn.

Giá xăng dầu vẫn khó lường trong khi nếu mặt hàng này tăng 10% sẽ làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân như dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí trong năm 2022 sẽ tăng trưởng trở lại, người dân sẽ chi tiêu nhiều hơn.

Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc sẽ tăng theo quy luật vào thời điểm đầu năm và cuối năm do nhu cầu mua sắm trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội, đặc biệt là giá thịt heo có xu hướng tăng sẽ tác động không nhỏ tới chỉ số giá tiêu dùng.

Giá dịch vụ giao thông công cộng, giá hàng hóa và dịch vụ khác tăng do giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá vận tải tăng.

Đông Nam Á căng mình chống lạm phát

TD-060822-chi-so-lam-phat-VN-TTO

Nguồn: Trading Economics - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Đối mặt với lạm phát toàn cầu tăng cao và giá cả leo thang, các ngân hàng trung ương Đông Nam Á đang triển khai những biện pháp chống chọi.

Tháng 7 vừa qua, cả Singapore và Philippines đã thông báo thắt chặt chính sách tiền tệ đột xuất, nhấn mạnh sự cấp bách trong việc đối phó lạm phát.

"Trong việc tăng lãi suất, Hội đồng Tiền tệ nhận thấy rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ là cần thiết bởi các áp lực giá cả", Đài Al Jazeera trích lời Thống đốc Ngân hàng Trung ương Philippines Felipe Medalla cho biết.

Theo Hãng tin Reuters, một giám đốc cấp cao của Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho biết ngân hàng này cũng có khả năng cao sẽ tăng lãi suất trong tháng 8, đồng thời nói thêm rằng ngân hàng sẵn sàng can thiệp nếu đồng baht suy yếu quá nhiều.

Tuy vậy, lo sợ suy thoái kinh tế cũng đang tạo ra nhiều thách thức cho các ngân hàng trung ương ở Đông Nam Á để vừa đối phó với lạm phát cao vừa tránh đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Không phải tất cả các ngân hàng trung ương đều gấp rút tăng lãi suất. Đối mặt với mức lạm phát 4,94%, cao kỷ lục kể từ tháng 10-2015, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia Perry Warjiyo vẫn cho rằng việc tăng lãi suất là chưa cần thiết.

"Ngân hàng Indonesia sẽ tiếp tục bình thường hóa chính sách tiền tệ, không cần nhanh chóng tăng lãi suất như các nước khác", ông Warjiyo phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 1-8.

Theo một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hướng đi cho chính sách của các nước Đông Nam Á bao gồm hai phần: thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát và hỗ trợ người dân đang phải chịu ảnh hưởng từ giá cả đắt đỏ.

Các chính sách tài khóa này phải mang tính trung lập về ngân sách và được tài trợ bằng cách tăng nguồn thu mới hoặc định hướng lại ngân sách để tránh thêm nợ hoặc làm trái chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, cần có các chính sách hợp tác khu vực và quốc tế để tăng nguồn cung ứng và giải quyết các thách thức dài hạn như thích ứng với biến đổi khí hậu, đầu tư vào nguồn nhân lực, tăng cường chuyển đổi xanh và thúc đẩy số hóa.

Tóm lại, nền kinh tế Đông Nam Á sẽ cần phải tăng lãi suất nhanh chóng khi lạm phát đang mở rộng để ngăn chặn vòng xoáy đi lên của lạm phát kỳ vọng và tiền lương, không nên đợi cho đến khi quá muộn.

Nghiên cứu của IMF cũng dự đoán rằng nếu phát triển các chính sách tài khóa thành công và kịp thời, GDP các nước Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng. Trong đó, GDP Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh nhất, từ 2,6% năm 2021 đến 7% năm 2022 và 6,7% năm 2023.

Theo thống kê của Trading Economics, Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia có tỉ lệ lạm phát thấp nhất thế giới (dưới 3,2%) trong khi nhiều quốc gia châu Á tăng tốc chống lạm phát.

MINH TRÍ

 Tăng trưởng GDP năm nay khoảng 7%, lạm phát dưới 4#phantramBộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tăng trưởng GDP năm nay khoảng 7%, lạm phát dưới 4%

TTO - Tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 sẽ đạt 6,5 - 7%/năm, riêng năm 2022 tăng khoảng 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Nguồn bài viết