Khu vực trồng thử nghiệm giống lúa của Viện Lúa ĐBSCL - Ảnh: CHÍ QUỐC
Trong khi đó, nhiều nhà khoa học cho rằng giống tốt có vai trò trọng yếu trong việc chiếm lĩnh thị trường và tăng thu nhập cho người dân. Gạo ST25 là một ví dụ.
Việt Nam có gạo ngon đa dạng hơn
Gia đình ông Trần Cảnh (xã Châu Hưng, huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng) sống bằng nghề trồng lúa gần 50 năm nay. Giống lúa ông Cảnh trồng trong năm nay là Tài nguyên. "Trước đây chỉ vỏn vẹn có vài ba giống lúa, giờ rất đa dạng, từ lúa thường, thơm nhẹ đến đặc sản. Tùy thị trường và nhu cầu của thương lái, mỗi năm có thể chọn làm mỗi giống lúa khác nhau", ông Cảnh nói.
Ông Lê Quốc Điền, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, liệt kê hàng loạt loại gạo ngon tỉnh hiện có thông qua các hội thi gạo ngon như ST24, Nàng hoa 9, Đài thơm 8, Gạo an toàn Huỳnh Kiểm, Ngọc đỏ hương dứa, Lứt đỏ... Đồng Tháp đã tổ chức hai hội thi gạo ngon nhằm tìm ra sản phẩm gạo đạt chất lượng cao, sản xuất theo quy trình an toàn, hữu cơ để tiến đến xây dựng thương hiệu gạo và tôn vinh nông dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất gạo ngon.
Một doanh nghiệp lớn chuyên ngành xuất nhập khẩu lúa gạo tỉnh An Giang cho rằng Thái Lan sản xuất lúa gạo theo hướng chuyên sâu một vài giống lúa chất lượng cao, còn Việt Nam sản xuất lúa gạo theo hướng có nhiều giống gạo ngon.
"Hai nước sản xuất lúa gạo theo hai hướng khác nhau nên khó so sánh. Nhờ có nhiều loại gạo nên Việt Nam tiếp cận được nhiều thị trường khác nhau, còn Thái Lan có phân khúc thị trường khác hơn. Công tác truyền thông của Thái Lan mạnh hơn, còn Việt Nam rất nhiều loại gạo nên khó tập trung. Thậm chí đề án giống lúa quốc gia đến nay vẫn chưa biết là giống nào", vị này nói.
Hơn về giống lúa nhưng thua về giống rau, quả
Theo ông Nguyễn Như Cường - cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), bộ đang tiếp tục triển khai các chương trình khoa học, chương trình trọng điểm cấp nhà nước và cấp bộ, tiếp tục chọn tạo các giống lúa chất lượng cao và tập trung xây dựng thương hiệu, có thể tới đây Việt Nam sẽ giảm lượng xuất khẩu nhưng giá trị sẽ tăng.
Với các giống cây trồng khác, ông Cường khẳng định giống cà phê và thanh long của Việt Nam đứng đầu và bỏ xa thế giới về năng suất và chất lượng. Tuy nhiên, ông cho rằng các giống rau và cây ăn quả của Việt Nam còn kém so với Thái Lan.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Xuân Định - phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam - cho hay Việt Nam cơ bản đáp ứng trên 90% lượng giống cần cho sản xuất, chỉ một số ít tổ hợp lúa ưu thế lai mới hiện phải nhập từ các nước khác. Với giống cây ăn quả, có 26 giống cây ăn quả được công nhận trong 10 năm qua như thanh long ruột đỏ TL4, giống cam chín sớm CS1, giống ổi OĐL1, chuối tiêu hồng...
"Việt Nam có thể hơn Thái Lan về chọn tạo giống lúa cải tiến, nhưng công bằng mà so sánh thì một loạt các giống cây quan trọng như các giống cây rau màu, cây ăn quả... chúng ta còn thua kém họ rõ rệt", ông Định nói và cho hay đến nay Việt Nam hằng năm vẫn phải nhập khẩu từ các nước khoảng 85% nhu cầu hạt giống rau màu, trong đó có Thái Lan.
Nguồn: Ông Nguyễn Như Cường (cục trưởng Cục Trồng trọt) - Dữ liệu: Chí Tuệ - Đồ họa: N.KH.
Nhà nước đừng "ôm sô" lúa giống
"Cha đẻ" gạo ST25, ông Hồ Quang Cua, cho biết để làm ra một giống lúa chất lượng được nông dân đón nhận là cả một quá trình đầy mồ hôi và nước mắt. Với gạo ST25, ông và các cộng sự đã mệt mài lao động gần 30 năm. Theo ông Cua, mỗi quốc gia cũng không cần phải sản xuất quá nhiều giống lúa. Chỉ cần có một số giống tạo nên thương hiệu nổi tiếng mà mỗi khi nói đến thì người tiêu dùng ai cũng biết sản phẩm của nước nào, đó mới là đẳng cấp.
Ông Trần Khắc Tâm, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, cho rằng trong khâu lai tạo, sản xuất giống lúa, bên cạnh đầu tư cho các viện và trường, Nhà nước cần khuyến khích và hỗ trợ đầu tư cho tư nhân tham gia, chứ đừng "ôm sô". "Việc khuyến khích, hỗ trợ tư nhân tham gia vào khâu sản xuất giống cây trồng, vật nuôi sẽ góp phần đa dạng nguồn giống và nhất là giảm được sự đầu tư của Nhà nước", ông Tâm nói.
Ông Tâm đề xuất khi tư nhân tham gia sản xuất thành công, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và bảo vệ thành quả của họ vì nông dân hay doanh nghiệp không thật sự am hiểu về các thủ tục hành chính. "Các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương cần kịp thời hỗ trợ, tư vấn và giúp đỡ họ để trong hành trình làm khoa học họ không cảm thấy bị bơ vơ, bỏ lại phía sau", ông Tâm nói.
Thay thế được giống từ Trung Quốc
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, 10 năm qua đã có tổng cộng trên 1.300 giống cây trồng mới được công nhận cho sản xuất.
Về nghiên cứu, chọn tạo giống lúa từ năm 2015 - 2019 đã công nhận được 76 giống lúa mới. Các giống mới được công nhận đều đáp ứng một trong các tiêu chí như vượt năng suất giống đang trồng phổ biến trong sản xuất từ 10 - 15%, trong đó có nhiều giống có đặc tính kháng sâu bệnh chính như rầy nâu, đạo ôn, bạc lá và chống chịu với điều kiện bất thuận như chịu hạn, chịu mặn, chịu phèn. Một số giống lúa đã thay thế được các giống lúa của Trung Quốc tại các vùng sản xuất phía Bắc...
* Ông Trần Xuân Định (phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam):
Nhiều điểm nghiên cứu giống "thoi thóp"
Chính phủ và Hoàng gia Thái Lan rất chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, đặc biệt giống cây rau, màu và cây ăn quả. Họ gắn công tác nghiên cứu, chọn tạo với yêu cầu và dự báo thị trường. Họ cũng sớm được các công ty nổi tiếng trên thế giới đặt chi nhánh, cơ sở nghiên cứu.
Hiện nghiên cứu cây rau, màu chỉ tập trung ở một số rất ít viện nghiên cứu chuyên ngành, các viện khác là bộ môn nhỏ và thực sự khá "thoi thóp" trong cơ chế tự chủ. Các công ty giống cây trồng lớn của tư nhân lại chủ yếu tập trung vào giống lúa, ngô.
Nhà nước cần rà soát và chỉnh sửa, hoàn thiện một số văn bản pháp luật trong việc quản lý giống cây trồng. Hiện nhiều quy định còn rườm rà, khó khả thi. Hệ thống quy định sẽ làm nản lòng các sáng tạo, chọn tạo giống vì nó tốn kém, mất thời gian, nhiều thủ tục trong khi rủi ro là không lường trước trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
* Ông Nguyễn Như Cường (cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT):
Chất lượng giống lúa Việt Nam hàng đầu thế giới
Để so sánh chất lượng giống lúa Việt Nam và Thái Lan là rất khó vì điều kiện sản xuất hai nước khác nhau. Nếu đánh giá chung về sản xuất lúa trên thế giới, các giống lúa của Việt Nam hiện đang nằm ở tốp đầu thế giới về năng suất, chất lượng.
Khoảng 15 năm trở về trước, Việt Nam đã có những định hướng, chiến lược chọn tạo giống lúa chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu. Do đó, lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay có thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các thị trường từ thấp cấp, trung cấp và cao cấp. Ví dụ giá gạo trắng 5% tấm Việt Nam hiện tại đang cao hơn Thái Lan, có lúc Thái Lan cao hơn, nhưng điều này cho thấy gạo trắng 5% tấm cũng ngang Thái Lan về chất lượng, giá trị.