Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng - Ảnh: BNG
Trước đó vào ngày 17-9, Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập CPTPP, hiệp định thương mại tự do có 11 thành viên, trong đó có Việt Nam.
Việc Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP được nhiều người nhận xét là quyết định khá bất ngờ. Bắc Kinh sẽ cần sự chấp thuận của 11 nền kinh tế thành viên để chính thức tham gia.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 23-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định CPTPP là hiệp định thương mại tự do mở, với những cam kết toàn diện nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa các nền kinh tế thành viên.
Việc hiệp định CPTPP được các nền kinh tế khác quan tâm, mong muốn trở thành thành viên cho thấy vai trò ngày càng tăng của hiệp định này trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực và quốc tế.
"Theo các quy định về thủ tục liên quan, các nền kinh tế muốn gia nhập CPTPP cần đáp ứng các tiêu chuẩn của hiệp định, cũng như tuân thủ các quy trình, thủ tục gia nhập đối với các thành viên mới.
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của mình với Trung Quốc về việc tham gia hiệp định này", người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên về bình luận của Việt Nam trước việc Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP.
Tương tự, khi được hỏi về trường hợp Đài Loan muốn gia nhập CPTPP, người phát ngôn Thu Hằng cũng cho biết đây là hiệp định mở, các thành viên của CPTPP cũng đã thống nhất các quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình và thủ tục gia nhập.
"Việt Nam sẽ tham vấn chặt chẽ với các thành viên khác của CPTPP về các đề nghị tham gia hiệp định", bà nói.
Thông tin Đài Loan nộp đơn xin gia nhập CPTPP được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc có động thái tương tự.