Công ty Nanogen sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Nano Covax ngay sau khi vắc xin được phê duyệt kết quả lâm sàng giai đoạn 3 - Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ
Ngày 9-8, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cho biết ông Yogendra Vekaria, giám đốc điều hành Công ty Vekaria Healthcare LLP của Ấn Độ, cùng ông Hồ Nhân, tổng giám đốc Công ty Nanogen của Việt Nam, đã ký Bản thỏa thuận bảo mật thông tin (Non-Disclosure Agreement, NDA) nhằm phục vụ chuyển giao công nghệ, sản xuất và phân phối vắc xin Nano Covax.
Sự kiện được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, diễn ra vào ngày 8-8 tại trụ sở của Đại sứ quán Việt Nam ở New Delhi.
Trước đó, Công ty Nanogen đã ủy quyền cho Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Ấn Độ - ông Phạm Sanh Châu - đại diện công ty để đàm phán với các đối tác tại Ấn Độ về các vấn đề chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax.
Việc ký thỏa thuận NDA sẽ là cơ sở để hai bên tiến tới thảo luận sâu hơn về các nội dung hợp tác cụ thể liên quan đến sản xuất, phân phối vắc xin Nano Covax quy mô lớn, khi các cơ quan chức năng cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Nano Covax là vắc xin COVID-19 do Công ty Nanogen của Việt Nam nghiên cứu, phát triển. Vắc xin đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam, bước đầu cho kết quả tích cực.
Hiện Công ty Nanogen đang phối hợp các cơ quan trong nước thúc đẩy quá trình thử nghiệm để có thể sớm tiến hành thủ tục xin cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam.
Công ty Vekaria Healthcare LLP là công ty con của Tập đoàn Vekaria của Ấn Độ, có trụ sở tại bang Gujarat và là tập đoàn đa ngành kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Công ty này vừa nghiên cứu vừa sản xuất trong lĩnh vực y tế và đang có danh mục gồm nhiều sản phẩm, công nghệ y tế.
Đối với lĩnh vực vắc xin phòng chống COVID-19, Vekaria Healthcare LLP đã nghiên cứu, tìm hiểu nhiều vắc xin COVID-19 tiềm năng và quyết định lựa chọn Nano Covax do Công ty Nanogen của Việt Nam nghiên cứu, phát triển để hợp tác.
Theo đánh giá của đại diện Công ty Vekaria Healthcare, vắc xin Nano Covax được nghiên cứu, phát triển trên nền tảng công nghệ protein tái tổ hợp, các báo cáo nghiên cứu ban đầu cho thấy vắc xin Nano Covax có nhiều triển vọng.