Việt Nam-'Gam sáng' trong bức tranh du lịch ảm đạm toàn cầu 2020

3 năm trước 1071

“Điểm sáng” của du lịch toàn cầu

Đại dịch COVID-19 khiến 2020 trở thành năm khủng hoảng nhất trong lịch sử của ngành du lịch toàn cầu. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) ước tính, năm 2020, lượng khách quốc tế giảm từ 70% đến 75%, đồng nghĩa với việc du lịch toàn cầu trở lại mốc thành tích của 30 năm trước. Những điểm đến nổi tiếng toàn cầu như Paris, Venice… chìm trong vắng lặng.

Chú thích ảnhCầu Vàng.

Tuy nhiên, trong “thách thức có cơ hội”, mặc dù vẫn phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề chưa từng có, song ngành du lịch Việt Nam lại đang là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh toàn cầu vô cùng ảm đạm. Trong khi hầu hết các quốc gia đang phải “bế quan tỏa cảng”, du lịch trong nước bị đình trệ vì dịch bệnh, thì du lịch nội địa của Việt Nam khá khởi sắc, nhất là những tháng cuối năm. Lượng khách nội địa đạt 56 triệu lượt, chỉ giảm khoảng 34,1% so với năm 2019. Đây là động lực quan trọng giúp du lịch Việt Nam đứng vững trong bão COVID-19.

Chú thích ảnhDu khách tới Bà Nà Hill dịp Tết dương lịch vừa qua.

Đánh giá về bức tranh du lịch trong năm 2021, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: “Có thể lạc quan mà nhìn nhận rằng, với những nỗ lực của cả đất nước, chúng ta sẽ tiếp tục khống chế COVID-19 và du lịch Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phục hồi sớm so với các nước khác trên thế giới”.

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi mạnh mẽ tư duy, cách làm của du lịch Việt Nam. Nhờ có định hướng của Chính phủ, Bộ VHTTDL và Tổng cục du lịch, du lịch Việt Nam đã nhanh chóng chuyển hướng, đáp ứng thị hiếu của du khách trong tình hình mới. Các dịch vụ, khu điểm du lịch được đầu tư làm mới, các sản phẩm mới đánh trúng xu thế cũng được ra mắt, với chất lượng và cả sự độc đáo, khác biệt, nhằm gia tăng chi tiêu của du khách, cũng như kích thích họ lên đường trải nghiệm.

Một trong số các điển hình cho sự thay đổi tư duy và cách làm du lịch đó là Quảng Ninh. Ngay khi dịch bệnh đợt 1 được khống chế, Quảng Ninh đã cùng với chủ đầu tư Sun Group ra mắt Yoko Onsen Quang Hanh- khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng trị liệu theo phong cách Nhật Bản đầu tiên tại Việt Nam. Đưa vào khai thác từ tháng 5/2020, dịch vụ du lịch cao cấp, có tính chuyên biệt này đánh vào thị hiếu du lịch chăm sóc sức khoẻ, riêng tư và an toàn. Ngay lập tức, Yoko Onsen Quang Hanh trở thành một “hiện tượng”, khi để có thể trải nghiệm dịch vụ ở đây, du khách phải đặt trước nhiều ngày.

Liên tục các lễ hội, hội nghị, chương trình liên kết kích cầu với các địa phương được tỉnh Quảng Ninh tổ chức, các chương trình miễn phí tham quan được áp dụng, các dịch vụ mới ra mắt, như tàu cao tốc Tuần Châu - Cô Tô, rút ngắn thời gian ra đảo chỉ còn 2h từ Hạ Long, cho phép du khách có thể tới Cô Tô ngay cả trong điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi. Kết quả là có những ngày cao điểm tháng 7/2020, tỉnh này đón 100.000 lượt khách, cao nhất từ trước đến nay. Thậm chí, Quảng Ninh đón khách tăng cả dịp cuối năm- là mùa thấp điểm, điều trước đây hiếm gặp.

Rất nhiều những xoay chuyển, những giải pháp liên kết kích cầu và ra mắt sản phẩm mới, dịch vụ mới hay lễ hội khi COVID-19 đã tạm lắng, đó là lý do khiến du lịch Việt Nam có một năm 2020 với đủ thăng trầm nhưng cũng không kém phần sôi động.

Thăng hạng bất chấp COIVD-19

Trong suốt 1 năm qua, các địa phương như TP.HCM, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Lào Cai… và các doanh nghiệp lớn như Sun Group, Vingroup, Vietravel đã tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0, đẩy mạnh chuyển đổi số và liên kết chặt chẽ để tạo thành những liên minh du lịch vững chắc, cùng nhau đi xa. “Doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư như Sun Group, Vingroup, Vietravel … đã thể hiện việc nắm bắt sứ mệnh, thể hiện vai trò tiên phong của người đi trước, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Không chỉ có tiềm lực về tài chính, công nghệ, hiểu biết sâu sắc về thị trường, các doanh nghiệp lớn còn tạo sân chơi mới cho các doanh nghiệp nhỏ tham gia”- ông Hà Văn Siêu nhận định.

Chú thích ảnhDu khách tới Fansipan đợt Tết dương lịch vừa qua.

Đặc biệt, một trong những thành quả đáng kể nhất của du lịch Việt Nam là sự kiện bất ngờ thăng hạng đột phá trên bản đồ du lịch toàn cầu, với việc liên tiếp được vinh danh tại giải thưởng quốc tế trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng. Tại Lễ trao giải WTA 2020 thế giới, Việt Nam xuất sắc đạt hàng chục giải thưởng, trong đó có giải “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”.

Đáng chú ý hơn, bên cạnh các danh hiệu dành cho điểm đến quy mô quốc gia, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng được quốc tế ghi nhận với rất nhiều giải thưởng. Tập đoàn Sun Group tiếp tục khẳng định đẳng cấp với 10 giải thưởng thế giới tại WTA 2020 và hơn 20 giải WTA 2020 khu vực châu Á. Trong đó, giải thưởng Khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường hàng đầu thế giới 2020 thuộc về InterContinental Danang Sun Peninsula (Đà Nẵng); Khu nghỉ dưỡng Tiệc cưới xa xỉ hàng đầu thế giới dành tặng JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay (Phú Quốc); Điểm du lịch văn hóa hàng đầu thế giới và Điểm du lịch có phong cảnh thiên nhiên hấp dẫn hàng đầu thế giới được trao cho Sun World Fansipan Legend (Sa Pa); Điểm du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới dành cho Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng), Sân bay khu vực hàng đầu thế giới thuộc về Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn…

Chú thích ảnh

Những vinh danh khách quan này của thế giới không chỉ khẳng định giá trị và vị thế mới của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng của thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành trên thế giới. Tinh thần Việt Nam cũng thể hiện ở đây khi các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch bằng tiềm lực, lý tưởng và tinh thần sáng tạo đã tạo dựng nên những công trình, dự án du lịch đẳng cấp thế giới.

Tin rằng, những công trình đẳng cấp này cùng “bộ sưu tập” giải thưởng danh giá xứng đáng do quốc tế trao tặng sẽ là sức bật cho du lịch Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách trong năm 2021.

Nguồn bài viết