Viết tiếp ước mơ dang dở của cha

3 năm trước 439

Viết tiếp ước mơ dang dở của cha - Ảnh 1.

Khang cùng mẹ bên chiếc bàn may, nơi mẹ phải chống chọi với từng cơn đau để kiếm tiền hằng ngày - Ảnh: SƠN LÂM

Mới chiều cùng ngày, Ngọc Diễm còn hỏi chúng tôi thông tin về học bổng Tiếp sức đến trường  - Cùng Tuổi Trẻ vượt COVID đến giảng đường cho cậu em hàng xóm Võ Nguyễn Minh Khang vừa đậu vào khoa vật lý Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM với 24,5 điểm.

Khang rất mạnh dạn, và thường xung phong trong mọi hoạt động của trường. Bạn bè hay thầy cô có việc gì nhờ Khang cũng yên tâm.

Cô Trần Thị Kiều Hạnh (giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Khang)

Khăn tang trước cửa đại học

Gia đình Khang trước giờ vẫn ở nhờ nhà ngoại và người cậu ruột. Một đám tang gọn gàng được tổ chức nhanh để hỏa táng người vừa khuất vào hôm sau ngay khi Long An vừa trở về áp dụng chỉ thị 15 sau gần hai tháng giãn cách. Khang cầm lư hương đi trước, bà Châu Thị Kính, ngoại Khang, khóc rưng rức tiễn đưa con rể chặng đường cuối. Cả bà Kính và người cậu ruột của Khang đều yêu quý người rể hiền lành sống chung nhà.

Ngày Khang thi tốt nghiệp, ba Khang còn khỏe mạnh đưa Khang đi thi. Người đàn ông 59 tuổi khen con khi cậu báo làm bài tốt và "vui cả ngày" khi nghe tin con đậu đại học.

Là dân Sài Gòn, làm nghề khoan giếng rồi theo xuống Long An gặp mẹ Khang, ông ở lại nhà vợ tiếp tục theo nghề ở quanh quẩn Tân An và các vùng lân cận mấy chục năm nay.

"Nó làm tiền hổng nhiều, mà bận nào đi khoan được giếng về cũng dúi cho tui khi thì 100.000 đồng, khi thì 200.000 đồng", bà Kính kể về người con rể.

Được đứa con một, ba Khang cưng cậu hết lòng, thường đưa đón con trai đi học cho đến những ngày dịch COVID-19 bủa vây. Suốt mấy tháng "ai ở đâu ở yên đó" theo chỉ thị 16 để chống dịch, đến ngày nghe tin con đậu đại học, cha Khang mới lấy chiếc xe honda của mình ra lau chùi kỹ lưỡng.

"Ảnh đã tính toán với cả nhà sẽ về lại Sài Gòn, kiếm chỗ ở trọ với con trai. Đăng ký chạy xe Grab đặng vừa đưa đón con vừa chăm cho con học hành tới nơi tới chốn" - bà Võ Thị Bắc, mẹ Khang, nghẹn ngào kể.

Nhưng chỉ một ngày sau, đang ngồi tính toán mơ tưởng với người em vợ về những ngày sắp tới cùng con trai ở Sài Gòn thì ba Khang trở mệt. "Mặt ảnh tự dưng tái mét, chân tay cũng trắng nhợt. Tui chở ngay đi Bệnh viện Long An thì họ chẩn đoán đã trở nặng rồi chuyển liền lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Họ nói ảnh ung thư phổi mà di căn sang máu rồi" - anh Võ Minh Thuận, cậu ruột của Khang, kể.

Lên Bệnh viện Chợ Rẫy nằm một đêm thì hôm sau bác sĩ thông báo để bệnh nhân về. "Tội nghiệp, ảnh nằm trong bệnh viện mệt lắm, thở không nổi mà cũng cứ cố gắng luôn miệng nói với chung quanh là mong cho hết bệnh để về đưa con trai đi Sài Gòn học", giọng anh Thuận nghẹn đi.

Cố gắng viết tiếp ước mơ của cha

Chồng đột ngột ra đi, con đường học hành của con trai dồn lên bà Bắc. "Cô Bắc đó giờ làm nghề may, ngồi một chỗ. Bị thoái hóa đốt sống cổ mấy năm nay mà không có tiền mổ", phát thanh viên Ngọc Diễm kể thêm về người hàng xóm của mình.

Sau đám tang một ngày, chúng tôi gặp lại bà Bắc khi vừa tất tả lên chùa gửi cốt cho chồng trở về. Trên chiếc bàn may, một túi vải trắng vừa được soạn ra. "Mấy tháng liền không có hàng may, họ mới gửi cho may lại", người mẹ 49 tuổi vừa đưa tay xoa phần gáy cổ vừa nói.

Trước thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng, bà Bắc vẫn nhận may gia công đồng phục học sinh cho một cơ sở may mặc. Mỗi lần có hàng đều, bà Bắc được khoảng 200.000 đồng tiền may gia công mỗi ngày. Từ năm ngoái, bệnh thoái hóa đốt sống cổ trở nặng thêm, bác sĩ ở Bệnh viện Long An khuyên bà lên Sài Gòn chữa trị.

"Mấy bữa đau khiếp lắm, nằm còn không nổi. Mà lên Sài Gòn gặp bác sĩ nào cũng chỉ định mổ. Phải mổ mới đỡ. Mà cả trăm triệu đồng tiền đâu mà mổ. Nghe tiền mổ tui chạy luôn. May đến khi có ông bác sĩ cho thuốc uống tạm, giờ cũng còn đau nhưng mà cũng gắng ngồi may được, chỉ có ngồi lâu không được", bà Bắc nói một hồi.

Khi chồng còn sống, dù công việc khoan giếng của ông không đều lắm nhưng cũng còn người chung lưng đấu cật. Giờ đây chỉ còn mỗi bà Bắc với cả con đường học hành của con trai phía trước. "Trước mắt là 6-7 triệu đồng học phí rồi. Tui với chồng đó giờ không nhà cửa gì, may mà ngoại với cậu Khang cho ở đây. Gia tài có mỗi đứa con giờ ngược xuôi gì cũng gắng lo cho nó", bà Bắc nói nhanh, như kiểu sợ người ta nghĩ mình kể khổ... để xin tiền.

Khang gần như không nói gì trong khi mẹ đang kể chuyện. Chỉ khi mẹ lui sau nhà, Khang mới chia sẻ: "Em đăng ký vô ký túc xá Đại học Quốc gia rồi, hy vọng là được".

Gương mặt của cậu tân sinh viên đầy mạnh mẽ, dường như biến cố vừa qua đã khiến Khang trưởng thành hơn rất nhiều.

Định hướng của Khang là sẽ theo chuyên ngành máy tính, điện tử. "Đó là sở thích từ nhỏ của em rồi. Em sẽ cố gắng theo. Khoa vật lý của Trường đại học Khoa học tự nhiên cũng do chính em chọn từ lâu. Cha muốn em học tới nơi tới chốn nên dù gì em cũng không bỏ", Khang nói.

Người cậu của Khang sống chung nhà trước là thợ lắp ráp cơ khí, thường đi theo các công trình. Những năm gần đây, anh thôi đi theo công trình mà tự làm việc ở nhà, sửa chữa máy móc cho những ai có nhu cầu. Và Khang cũng đã là phụ tá của cậu trong những năm qua.

Sau một ngày đưa tiễn cha, Khang đã lại bày ra lỉnh kỉnh những dụng cụ điện tử của cậu mình để lau dọn, sửa chữa trước sân căn nhà nhỏ. Cậu tân sinh viên dường như đang muốn quên nỗi mất mát lớn nhất đời mà mình vừa trải qua và tạm quên những khó khăn cho 4 năm học hành đầy lo âu phía trước.

Viết tiếp ước mơ dang dở của cha - Ảnh 4.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Cô gái mồ côi vào đại học, cả xóm phấn khởi, nể phụcCô gái mồ côi vào đại học, cả xóm phấn khởi, nể phục

TTO - Những ngày này, về xứ dừa Tam Quan, khi hỏi thăm nhà Nguyễn Thị Bích Trâm, ai nấy cũng hào hứng dẫn đường rồi kể thêm nhiều điều đầy tự hào.

Nguồn bài viết