Trên mảnh đất biên giới Tây Nam, đã có 99 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh ngã xuống vì độc lập, tự do, vì sự trường tồn cho dân tộc.
Viết huyết thư xin ra chiến trường
Ngày 28/3/1976, hơn 10.000 thanh niên xung phong là những thanh niên đầy nhiệt huyết cống hiến trong đội hình của 2 Tổng đội đồng loạt ra quân đến vùng nông thôn ngoại thành, đến những nơi núi rừng khó khăn để khai hoang, phục hóa, xây dựng những khu kinh tế mới. Lực lượng thanh niên xung phong đã phủ màu xanh của những cánh đồng mì, ruộng mía, cao lương lên chính những vùng đất hoang do bom cày, đạn xới bởi chiến tranh, làm thức dậy những vùng đất còn ngủ vùi trong hoang hóa.
Khi bom đạn của quân diệt chủng Polpot giày xéo biên giới Tây Nam, khi tấc đất quê hương chưa kịp hồi sinh lại bắt đầu thấm máu cũng là lúc những cán bộ, đội viên thanh niên xung phong đang làm việc trên nông trường nhưng lòng hướng về biên giới. Lần lượt những chàng trai, cô gái trẻ trung như mùa xuân, trích máu viết tâm thư, xin ra chiến trường.
Ngày 22/7/1978, tại tỉnh SvayRieng (Campuchia), khi cả Trung đội 3 thuộc Đại đội 3, Liên đội 303 đang nghỉ thì bất ngờ quân Polpot tấn công, thảm sát; 24 đội viên thanh niên xung phong đã ngã xuống. Thế nhưng, những người đồng đội đã tiếp tục bước lên phía trước, vượt qua đau thương, bom mìn để tải đạn, chuyển thương với quyết tâm giữ cho vẹn nguyên hình hài non nước.
Từng sát cánh với những đội viên trẻ thời ấy trên chiến trường biên giới Tây Nam đầy khóc liệt khi vừa tròn 17 tuổi, giờ đây cựu thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Kim Oanh (65 tuổi) đến với Khu tưởng niệm liệt sỹ Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh (xã Long Phước, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) để thăm đồng đội cũ đã anh dũng ngã xuống vì Tổ quốc.
Bà Kim Oanh kể, năm ấy, khi biết tin quân diệt chủng Polpot gây ra nhiều tội ác cho dân tộc, bà cùng những đồng đội trẻ đều phẫn uất, quyết tâm viết huyết thư để xin ra chiến trường. Những ngày tháng sát cánh chiến đấu cùng bộ đội ở Campuchia, đơn vị đã chứng kiến 3 người hy sinh, nhiều đồng chí bị thương tích.
Bà Kim Oanh cho biết, thời điểm nhiều đồng đội hy sinh, bà chẳng những không thấy sợ mà càng thấy phải quyết tâm đứng lên, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao để quân diệt chủng nhanh chóng bị tiêu diệt, đem lại sự bình yên cho dân tộc ở quê nhà, khí thế ấy vẫn giữ vững cho đến ngày toàn thắng.
Ngày giỗ chung của 99 liệt sỹ
Ngày 22/7/2024, tại Khu tưởng niệm liệt sỹ Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh (một tổ chức kinh tế-xã hội đặc thù của Thành phố) Lê Minh Khoa cùng hơn 300 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ, đội viên thanh niên xung phong qua các thời kỳ, các đơn vị tỉnh Tây Ninh và thân nhân các liệt sỹ đã dâng hoa, dâng hương nhân ngày “giỗ chung” để tưởng niệm 99 liệt sỹ thanh niên xung phong Thành phố đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.
Theo bà Cao Linh Phụng, Trưởng ban Tuyên giáo Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh, chính tại nơi đặt Khu tưởng niệm liệt sỹ thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh, trước khi sang Campuchia phục vụ chiến đấu, lực lượng thanh niên xung phong đã dừng chân ở đây để chỉnh đốn lại hàng ngũ, quân trang, chuẩn bị quân dụng, những thứ cần thiết nhất. Đây cũng là nơi mà các anh, chị sau khi hy sinh trên đất bạn đã về nằm lại trước khi được đưa về nghĩa trang ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Bà Cao Linh Phụng lý giải, sự kiện quân diệt chủng Polpot thảm sát ngày 22/7/1978 khiến 24 anh, chị thanh niên xung phong hy sinh là mất mát quá lớn. Khi ấy, tương quan lực lượng 2 bên quá chênh lệch. Không được trang bị đầy đủ vũ khí, 24 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong đã anh dũng đối mặt với 2 tiểu đoàn quân diệt chủng. Dấu mốc lịch sử đau thương đã viết nên một trong những chiến tích bi tráng nhất của thanh niên xung phong trên chiến trường biên giới Tây Nam. Do đó, ngày 22/7 hằng năm, lực lượng thanh niên xung phong các thế hệ đã chọn là ngày giỗ chung cho toàn thể 99 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong Thành phố đã anh dũng hy sinh.
Có bố từng là người mang đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ khi tham gia lực lượng thanh niên xung phong, Nguyễn Thị Khánh Linh đầy tự hào khi được cống hiến cho Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh, mong muốn được viết tiếp lịch sử hào hùng đó. Theo Khánh Linh, đức tính người cán bộ, đội viên thanh niên xung phong là luôn xung phong đi đầu, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh.
"Là một thanh niên, bản thân em luôn ý thức, cố gắng rèn luyện, học tập và phấn đấu để có thể tiếp bước những truyền thống của các thanh niên xung phong đã ngã xuống và những điều tốt đẹp mà các thanh niên xung phong hiện tại đã và đang làm. Điều đó thể hiện qua tinh thần nỗ lực phấn đấu, rèn luyện của bản thân, sẵn sàng nhận và đương đầu với mọi khó khăn, thách thức trong tình hình mới.”, Khánh Linh nói.
Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh Lê Minh Khoa nhấn mạnh, đúc kết lại, tinh thần của thanh niên xung phong là "Năng động, sáng tạo, dám nhận những việc khó khăn của Thành phố giao cho". Đến nay, các thế hệ thanh niên xung phong vẫn luôn phát huy truyền thống đó để xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh hơn. Tinh thần ấy vẫn sẽ luôn giữ trong tim mỗi cán bộ, đội viên.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng sự hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sỹ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ vẫn mãi mãi khắc ghi trong tâm bao thế hệ; là động lực to lớn để các thế hệ tiếp nối tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc giao.