Anh Lương Ngọc Đức tại Tuần lễ sách năm 2020 do Trường tiểu học Vinschool (Hà Nội) tổ chức - Ảnh: NVCC
Giờ đây, những quyển sách ấy đã dần thành hình, và dự kiến sẽ được xuất bản trong năm 2022.
Đội ngũ thực hiện dự án viết lại cái kết cho những câu chuyện cổ tích đều là những người trẻ. Để đặt bút viết nên một câu chuyện, anh Đức cùng các cộng sự có lúc đã dành đến 5 năm cho việc tìm hiểu, chuẩn bị nội dung, và là sự kết hợp của nhiều yếu tố như lịch sử, trí tưởng tượng, giải trí...
Người lớn cần nuôi dưỡng sự nhân văn và tử tế ở trẻ nhỏ bằng việc trao cho trẻ tình yêu vô điều kiện. Khi được nuôi dưỡng bởi những người bố, người mẹ hạnh phúc, trẻ sẽ lớn lên trong niềm hạnh phúc.
Anh Lương Ngọc Đức
Xóa đi những định kiến
"Định kiến khiến cuộc sống của chúng ta mất đi rất nhiều lựa chọn và cũng dễ làm con người thêm xa cách. Chúng ta thường bắt gặp rất nhiều định kiến trong các câu chuyện cổ tích, ví dụ như muốn có hạnh phúc thì phải trở thành công chúa, hoàng tử, phò mã, nhà vua. Người nghèo là người tốt được Bụt thương, còn người giàu là người tham lam xấu xa, hay người xấu sẽ bị trừng phạt tới mức không bao giờ có một cơ hội được sửa sai", anh Lương Ngọc Đức - người sáng lập dự án viết lại cái kết cho những câu chuyện cổ tích - chia sẻ.
Theo anh, những câu chuyện là những hạt giống được gieo vào tâm hồn của một đứa trẻ. Tuy nhiên, nhiều câu chuyện cổ tích hiện nay lại mang màu sắc khôn lỏi, bạo lực, thù hận và không an toàn cho trẻ thơ.
Với mong muốn được tự tay tạo ra những kết cục đẹp, nhân văn hơn cho các câu chuyện cổ tích, "thách thức" những định kiến cũ kỹ, anh Đức đã dành nhiều năm để tìm hiểu kỹ càng nội dung từng câu chuyện, sau đó lựa chọn những tình tiết mới phù hợp hơn để sáng tạo thêm. Hầu hết các tác phẩm do anh viết đều được thể hiện dưới hình thức truyện tranh, không chỉ để gần gũi hơn với trẻ, mà còn góp phần thể hiện được tinh thần và sự thú vị của văn hóa Việt.
Đơn cử, với truyện Trí khôn của ta đây, trong cái kết do anh Đức viết lại, nhân vật người nông dân sau khi lừa đốt cháy được cọp đã quay về làng và bị Già làng khiển trách vì hành động nhẫn tâm với chú cọp. Sau đó, mọi người trong làng đã tỏa nhau ra đi tìm cọp về chăm sóc vết thương.
Khi đến xin lỗi cọp, Già làng gửi đi thông điệp: "Trí khôn của con người là ở chỗ biết nhận ra những lỗi lầm của mình và có đủ dũng cảm để sửa sai. Trí khôn của con người là ở trái tim biết phân biệt phải trái và biết thương yêu".
Trong khi đó, chú trâu trong câu chuyện, sau khi nhận ra mình không nên cười cợt trên nỗi đau của cọp khi bị đốt, cũng đã đến xin lỗi cọp và cả hai trở thành những người bạn thân thiết từ đó về sau.
"Tôi mong rằng qua những câu chuyện được viết lại, mọi người sẽ có những góc nhìn và lựa chọn mới cho bản thân mình. Sách dành cho trẻ em từ 6 - 10 tuổi, nhưng mỗi câu chuyện đều mang những ý nghĩa sâu xa cho trẻ ở mọi độ tuổi và kể cả người lớn", anh cho biết.
Niềm vui từ những điều giản dị
Từng được biết đến qua dự án "Lì xì hạt giống" khuyến khích mọi người gieo hạt đầu xuân như là một lựa chọn khác cho truyền thống lì xì bằng tiền, hành trình của Lương Ngọc Đức đều chỉ hướng về việc trao cho cộng đồng nhiều sự lựa chọn hơn trong cuộc sống, gieo mầm tử tế, nhân văn và tình yêu thương. Trong đó, những câu chuyện cổ tích được viết lại cũng không nằm ngoài mục tiêu này.
"Qua những câu chuyện, tôi mong mọi người có được góc nhìn khác với những gì họ từng biết. Sự tự do trước hết phải bắt nguồn từ tâm trí của mỗi người. Khi được giải thoát khỏi chính những định kiến mà chúng ta vẫn luôn tin tưởng, mỗi người sẽ có thêm nhiều suy nghĩ và lựa chọn hơn trong cuộc sống", anh Đức nhấn mạnh.
Là một người trẻ, bản thân anh Đức cũng từng có thời gian bị cuốn theo những giá trị bề nổi của vật chất - thời gian anh tự gọi mình là "đi lạc". Tuy nhiên, cũng chính từ những trải nghiệm ấy, Ngọc Đức nhìn ra được những giá trị bền vững của cuộc sống - đến từ sự trân quý giây phút hiện tại, sự yêu thương, tử tế.
"Như một cái cây lớn lên, chúng ta sẽ thay đổi theo thời gian như cây thêm lá thêm hoa. Tôi thấy mình may mắn vì đã "tỉnh giấc" sớm, để rồi nhận ra việc chạy theo vật chất, công nghệ không khiến chúng ta có được niềm vui hay hạnh phúc. Nhìn lại, niềm vui và sự tự do không nhất thiết phải đến từ việc chúng ta có thật nhiều tiền, nhiều quyền lực hay đi một chiếc xe thật đẹp. Niềm vui nở hoa từ những điều giản dị mà ta làm hằng ngày", anh Đức trải lòng.
Trong thời gian tới, nhiều câu chuyện cổ tích đã được anh Đức viết lại cái kết như Sự tích Trầu Cau, Tấm Cám, Sơn Tinh Thủy Tinh đang được chuẩn bị các sự kiện để ra mắt.
Ngoài viết truyện, nhóm dự án cũng có một kênh podcast có tên "Con Vịt Cười". Qua những chia sẻ về hành trình lớn lên của một chú vịt, anh Đức gửi gắm thông điệp giúp người nghe tìm lại được chính mình, những giá trị sống bền vững, giúp họ biết yêu thương nhiều hơn.
Với những câu chuyện cổ tích mang màu sắc nhẹ nhàng, ấm áp và tràn đầy sự tích cực, anh Đức hy vọng mọi người có thể tưởng tượng như họ "đang nhắm mắt trong vườn lộng gió" để nghe kể chuyện.
"Hãy thưởng thức những câu chuyện như thể đang thưởng thức một bản nhạc hay tiếng chim hót. Khi đó, mọi ngôn từ sẽ không còn quan trọng bằng trải nghiệm mà ta có được ở khoảnh khắc này - đó không chỉ là cơn gió, mà còn là dòng nước mát trong hay mùa đang về trên những chiếc lá", anh chia sẻ.
"Trước khi bắt đầu viết tiếp một câu chuyện nào đó, chúng tôi đều dành nhiều thời gian nghiên cứu lịch sử và các dữ kiện liên quan vì không muốn các câu chuyện được viết tiếp mang màu sắc xa vời với những gì đẹp đẽ sẵn có của người Việt. Ngoài ra, mỗi câu chuyện đều là những thông điệp nhân văn ý nghĩa nhưng cũng cần mở ra một thế giới mộng mơ đầy lôi cuốn với trẻ thơ và cả người lớn", anh Đức cho biết.
Ở mỗi tác phẩm, anh Đức luôn đảm bảo cốt truyện có thể mang lại nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cho độc giả, đồng thời đảm bảo giữ gìn sự tươi sáng, nhẹ nhàng trong văn phong, ngôn từ và hình ảnh.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục viết những phiên bản truyện cổ tích khác theo hướng nhân văn, gieo thêm thật nhiều điều tốt lành, xinh tươi, để rồi mỗi tập truyện sẽ là những hạt giống thương yêu được nở hoa trong tâm hồn của mỗi em nhỏ", anh nhắn nhủ.