Nhân viên khử trùng tại một điểm hỏa táng ở tỉnh Samut Prakan của Thái Lan, sau khi hỏa táng thi thể của một bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: BANGKOK POST
Ngày 30-5, Thái Lan công bố ghi nhận thêm 4.528 và 24 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và ca tử vong do dịch bệnh này ở xứ sở chùa vàng lên lần lượt 154.307 ca và 1.012 ca, theo báo Bangkok Post.
Như vậy, tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Thái Lan tới nay đã vượt con số 1.000. Trong số 24 ca tử vong mới, thủ đô Bangkok chiếm nhiều nhất với 14 ca.
Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan cho biết trong số 4.528 ca nhiễm mới, có 1.902 ca được ghi nhận trong các nhà tù ở nước này.
Với tỉ lệ lây nhiễm đang tăng lên ở nhiều nơi của châu Á như Singapore, Thái Lan và đảo Đài Loan, Hãng tin Bloomberg (Mỹ) ngày 30-5 chạy dòng tít: "Câu hỏi lớn: Có phải châu Á đang thất bại trong cuộc chiến với COVID-19?".
Bloomberg đặt câu hỏi với nhiều chuyên gia, trong đó có câu: "Nhiều quốc gia tại châu Á giờ đây đang chứng kiến số ca nhiễm cao hơn bao giờ hết. Làm thế nào mà châu Á từ việc kiềm chế COVID-19 thành công lúc đầu, giờ đây có nhiều đợt bùng phát dịch trên khắp khu vực?".
Giáo sư Ben Cowling đến từ Trường Y tế công cộng thuộc Đại học Hong Kong giải thích rằng COVID-19 vẫn sẽ lây lan trên toàn cầu, cho đến khi nào tiêm chủng đầy đủ cho người dân. "Nó vẫn sẽ tìm đường để xâm nhập, dù ở Hong Kong, Singapore, Đài Loan hay Trung Quốc đại lục" - ông Ben Cowling nói.
Vị giáo sư này chỉ ra thách thức hiện nay là cải thiện "mức độ bao phủ vắc xin" COVID-19 của châu Á. Một số nơi ở châu Á tới nay có nguồn cung hạn chế. Ở những nơi khác, nguồn cung nhiều nhưng người dân không chịu tiêm. "Điều đó sẽ làm kéo dài COVID-19 khu vực này" - ông Ben Cowling cảnh báo.