Vingroup báo lỗ kỷ lục hơn 7.500 tỉ đồng, vì sao?

2 năm trước 353
Vingroup báo lỗ kỷ lục hơn 7.500 tỉ đồng, vì sao? - Ảnh 1.

Vingroup lỗ hơn 7.500 tỉ đồng do cho Vinfast ngừng sản xuất xe xăng để tập trung nguồn lực cho xe điện, đồng thời chi hàng ngàn tỉ đồng hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19. Trong ảnh: khách hàng mua sắm tại một trung tâm thương mại Vincom ở TP.HCM - Ảnh: BÔNG MAI

Bức tranh tình hình tài chính của Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán VIC) sau khi trải qua làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư vừa được hé lộ.

Dựa vào báo cáo tài chính hợp nhất quý 4-2021 vừa công bố, Vingroup đạt tổng doanh thu thuần hợp nhất hơn 34.400 tỉ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong quý cuối năm, doanh nghiệp cũng lỗ sau thuế hơn 9.200 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi hơn 1.700 tỉ đồng.

Chốt năm 2021, Vingroup đạt doanh thu thuần hơn 125.300 tỉ đồng, tăng 13%. Song lỗ sau thuế hơn 7.500 tỉ đồng, cùng kỳ năm trước lãi hơn 4.500 tỉ đồng.

Tập đoàn này cho biết do các đợt giãn cách xã hội kéo dài nên hoạt động kinh doanh bất động sản cho thuê, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí đều bị ảnh hưởng lớn. Riêng doanh thu của Vincom Retail cũng giảm do mở rộng gói hỗ trợ khách thuê với quy mô lên hơn 2.100 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, việc quyết định dừng sản xuất xe xăng để tập trung nguồn lực cho xe điện cũng khiến Vingroup ghi nhận một khoản chi phí liên quan đến khấu hao nhanh các tài sản dự kiến không sử dụng và khoản phí trả cho nhà cung cấp do kết thúc hợp đồng.

Ngoài ra, trong khi dịch diễn biến phức tạp, tập đoàn này còn chi gần 6.100 tỉ đồng để tài trợ cho các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 và các hoạt động tài trợ khác.

Tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng cho biết: "Nếu không tính các khoản chi ngoài kế hoạch, Vingroup lãi trong năm 2021 và gần hoàn thành kế hoạch đề ra."

Cụ thể, nếu không tính những khoản chi phí phát sinh ngoài kế hoạch như trên, lợi nhuận sau thuế của Vingroup có thể đạt hơn 4.300 tỉ đồng trong cả năm 2021, tương đương hoàn thành 97% kế hoạch.

Khép lại năm tài chính 2021, Vingroup đạt tổng tài sản hơn 427.300 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu đạt hơn 159.100 tỉ đồng, tăng lần lượt 1% và 17% so với hồi đầu năm. Doanh nghiệp đang gánh khoản nợ phải trả hơn 268.100 tỉ đồng, giảm hơn 6% so với đầu kỳ.

Mới đây Vingroup đã xác định lại ba nhóm hoạt động trọng tâm gồm: công nghệ - công nghiệp, thương mại dịch vụ và thiện nguyện xã hội.

Ở trọng tâm đầu tiên là hoạt động công nghệ - công nghiệp, năm qua hãng xe VinFast đã bàn giao 35.700 xe cho khách hàng. Riêng thị trường quốc tế, hãng xe này cũng giới thiệu dải sản phẩm hoàn thiện với 5 mẫu SUV điện mới phủ khắp các phân hạng từ A đến E.

Trong tháng 12 vừa qua, VinFast cũng khởi công nhà máy sản xuất pin VinES tại khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) có công suất giai đoạn 1 đạt 100.000 pack pin mỗi năm, đảm bảo nguồn cung pin Lithium cho các dòng xe điện và xe buýt điện.

Trọng tâm thứ hai là hoạt động thương mại dịch vụ. Trong đó ở lĩnh vực bất động sản, Vingroup dự kiến đẩy mạnh phát triển xanh và chuyển đổi số. 

Nhờ hoạt động bán hàng cải thiện mạnh trong quý 4 kèm bàn giao đúng tiến độ đã giúp Vinhomes lãi ròng sau thuế hơn 39.000 tỉ đồng. 

Đối với lĩnh vực bất động sản bán lẻ, nếu Vincom Retail không hỗ trợ khách thuê như nêu trên, thì lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vẫn vượt kế hoạch.

Ở mảng khách sạn nghỉ dưỡng tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt giãn cách xã hội và việc đóng cửa đường bay quốc tế. Tuy nhiên với tỉ lệ tiêm vắc xin tăng cao và đường bay quốc tế dự kiến mở lại, kết quả kinh doanh của Vinpearl trong năm 2022 dự kiến cải thiện.

Ở trọng tâm cuối cùng là thiện nguyện xã hội, Vingroup giảm đóng góp cho Quỹ Thiện Tâm từ 90% xuống 10%, phần còn lại được tỉ phú Phạm Nhật Vượng, gia đình và các lãnh đạo cao cấp tại tập đoàn chủ động đóng góp.

Tính đến thời điểm hiện tại, Vingroup đang là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ nhì sàn chứng khoán với hơn 354.400 tỉ đồng, Vinhomes (VHM) đứng thứ ba với hơn 349.600 tỉ đồng. Riêng Vietcombank (VCB) tạm thời dẫn đầu top 3 với hơn 421.100 tỉ đồng.

Án hủy niêm yết treo lơ lửng trước cửa Hoàng Anh Gia Lai, Vietnam AirlinesÁn hủy niêm yết treo lơ lửng trước cửa Hoàng Anh Gia Lai, Vietnam Airlines

TTO - Liên tục làm ăn thua lỗ khiến nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu treo lơ lửng trước cửa Hoàng Anh Gia Lai, Vietnam Airlines. Điểm chung của hai doanh nghiệp này là đều xin đặc cách để không bị hủy niêm yết.

Nguồn bài viết