Viettel nhận thêm 2 bằng sáng chế độc quyền tại Mỹ

3 năm trước 437
Viettel nhận thêm 2 bằng sáng chế độc quyền tại Mỹ - Ảnh 1.

Những bằng sáng chế của Viettel được ứng dụng nhiều trong các sản phẩm phục vụ khách hàng - Ảnh: D.LINH

Theo danh sách của Cơ quan Quản lý sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), Viettel là doanh nghiệp Công nghiệp - Công nghệ cao của Việt Nam có nhiều bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền của Mỹ nhiều nhất.

Hai bằng sáng chế độc quyền tại Mỹ mà Viettel vừa nhận là sáng chế về "Phương pháp cân bằng tải có trọng số trên các điểm truy cập dữ liệu" và sáng chế "Bộ ghép lai có cổng tổng và cổng hiệu đồng hướng".

Đến hết tháng 8-2021, Viettel đã có tổng cộng 339 đơn đăng ký sáng chế trong nước, 49 đơn đăng ký sáng chế tại Mỹ. Trong đó, 44 bằng sáng chế được cấp tại Việt Nam và 7 bằng sáng chế được cấp tại Mỹ.

Mỗi năm, số lượng bằng độc quyền sáng chế được cấp của Viettel tăng 142%, gấp gần 8 lần so với mức tăng trung bình 18% của các chủ đơn trong nước. Viettel đang là đơn vị tiên phong và chủ lực thực thi chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm.

Theo ông Lê Đăng Dũng - Q. Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn: "Viettel đẩy mạnh việc đăng ký bản quyền để tiến tới mục tiêu lớn hơn, đó là việc đóng góp vào các tiêu chuẩn trên thế giới".

Sáng chế "Phương pháp cân bằng tải có trọng số trên các điểm truy cập dữ liệu" giúp vận hành mạng viễn thông hiệu quả và đảm bảo an toàn dữ liệu cho khách hàng.

Sáng chế "Bộ ghép lai có cổng tổng và cổng hiệu đồng hướng" được ứng dụng trong việc sản xuất đài Radar 3D.

Cả hai sáng chế này đều do nhóm kỹ sư nằm trong độ tuổi 9X của Viettel đưa ra.

Danh sách những sáng chế của Viettel đã được công nhận tại Mỹ

STT

Tên Bằng sáng chế

1

Sáng chế Phương pháp cân bằng tải có trọng số trên các điểm truy cập dữ liệu

2

Sáng chế Bộ ghép lai có cổng tổng và cổng hiệu đồng hướng

3

Sáng chế Phương thức phân chia dữ liệu ngẫu nhiên trong các hệ thống phân tán đa vi xử lý

4

Sáng chế Hệ cơ cấu trợ lực cho robot song song bằng hệ lò xo với trợ lực hằng số

5

Sáng chế Phương pháp phát hiện mục tiêu mặt nước trong môi trường nhiễu

6

Sáng chế Cơ cấu dẫn động trực tiếp hai trục

7

Phương pháp hiệu chỉnh và điều khiển công suất tuyến thu thích ứng theo môi trường truyền dẫn trong hệ thống trạm thu phát gốc vô tuyến

Nguồn bài viết