Ông Lê Quang Vinh - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, nhận Chứng nhận doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam và kỷ niệm chương từ Ban tổ chức - Ảnh: VCB
Diễn đàn Văn hóa với doanh nghiệp năm 2021 với chủ đề "Tiếp biến văn hóa - Nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế", do Ban Tuyên giáo Trung ương Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trung ương Đoàn; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam... phối hợp tổ chức hôm 5-12.
Đây là hoạt động thiết thực nhằm triển khai thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" do Thủ tướng Chính phủ phát động cũng như hiện thực hóa lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 vừa qua.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - nhấn mạnh doanh nghiệp là trái tim của nền kinh tế. Do đó, cần có 1 cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, phát triển văn hoá doanh nghiệp.
Diễn đàn đã sơ kết cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" và Lễ tôn vinh các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh, các doanh nghiệp hoạt động tích cực trong phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Vietcombank vinh dự được vinh danh là một trong 10 doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh đầu tiên tại Việt Nam. Đây là ghi nhận kết quả mà Vietcombank đã và đang triển khai nhằm đáp ứng toàn diện các nội dung của bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam.
Cụ thể, Vietcombank được đánh giá nổi bật với các tiêu chí lớn. Thứ nhất: Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững (có định hướng phát triển bền vững; hệ thống chính sách và quy trình quản trị nội bộ rõ ràng; đơn vị có tư duy và năng lực đổi mới sáng tạo, khả năng thích ứng với môi trường kinh doanh; có bộ máy quản trị và chiến lược xây dựng đội ngũ kế thừa);
Thứ hai: Xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp (có sự đồng thuận và làm gương của Ban lãnh đạo; có hệ thống truyền thông nội bộ đến từng cán bộ; chính sách phúc lợi dành cho người lao động tốt, đội ngũ có sự gắn kết chặt chẽ; văn hóa học tập và phát triển nghề nghiệp truyền thông đến từng người lao động, phát triển văn hóa hội nhập quốc tế trong đơn vị);
Thứ ba: Thượng tôn pháp luật (tuân thủ quy định của pháp luật, có chính sách an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp cho cán bộ);
Thứ tư: Đạo đức kinh doanh (công bằng và cạnh tranh lành mạnh; uy tín trong kinh doanh);
Thứ năm: Trách nhiệm xã hội (chuẩn mực về quản lý môi trường; tích cực tham gia vào tiến trình xây dựng chính sách của nhà nước; thường xuyên triển khai các hoạt động xã hội; có chính sách với người khuyết tật và bình đẳng giới; chính sách ưu tiên sử dụng nhân sự, nguyên liệu, sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam).