UOB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 3% trong năm nay do ảnh hưởng từ COVID-19 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ngân hàng UOB của Singapore vừa công bố báo cáo kinh tế quý 3, trong đó lý giải sự giảm hụt của GDP trong quý 3 phần lớn do nguyên nhân từ việc đóng cửa để ngăn chặn làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19 bắt đầu vào cuối tháng 4.
Các chỉ số hoạt động khác cũng phản ánh mức độ gián đoạn trong sản xuất và chi tiêu của người tiêu dùng. Sản xuất công nghiệp sụt giảm hai tháng liên tiếp, với sản lượng giảm 3,6% trong quý 3.
Tổng thương mại bán lẻ giảm kỷ lục 7,1% trong 9 tháng đầu năm do cả ba phân khúc chính là bán lẻ, lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch đều giảm trong giai đoạn này.
Với sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, các hoạt động ngoại thương của Việt Nam cũng giảm tốc trong quý 3 dẫn đến thâm hụt thương mại tăng vọt lên 3,4 tỉ USD so với đầu năm, đảo ngược vị thế thặng dư thương mại vốn có.
"Giả sử việc mở cửa trở lại nền kinh tế diễn ra thuận lợi để cho phép các doanh nghiệp và nhà máy bắt kịp sản lượng bị mất và tỉ lệ tiêm chủng tăng theo kế hoạch, GDP của Việt Nam có thể phục hồi lên 7% trong quý 4, từ mức -6,2% trong quý 3. Điều này sẽ giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP cả năm là 3%", UOB đưa ra dự báo.
Một khi các hoạt động bình thường hóa hơn nữa, UOB dự đoán GDP toàn phần sẽ trở lại tốc độ tăng trưởng "bình thường" hơn 7,4% vào năm 2022 dựa vào so sánh trên mức cơ sở thấp vào năm 2020 và 2021.
Cũng theo UOB, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiều khả năng sẽ giữ ổn định chính sách trong thời điểm hiện tại và không thay đổi lãi suất tái cấp vốn ở mức 4% và lãi suất tái chiết khấu ở mức 2,5%, mức thấp kỷ lục.
"Một cân nhắc quan trọng đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là sự thay đổi chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trước mắt có thể có tác động đến các thị trường mới nổi như Việt Nam khi dòng vốn phản ứng với sự thay đổi chính sách.
Kịch bản của chúng tôi là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ bắt đầu giảm bớt lượng mua trái phiếu của mình trước cuối năm 2021 và hoàn tất quá trình này vào giữa năm 2022, sau đó bắt đầu tăng lãi suất vào cuối năm 2022", UOB nhận định.
Về tỉ giá, UOB cho rằng việc VND lên giá so với USD thời gian qua khá phù hợp với những gì Việt Nam đã đạt được trong thỏa thuận với Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 7 để không cố tình làm suy yếu VND nhằm đạt được lợi thế xuất khẩu.
Tuy nhiên một VND mạnh hơn cũng đặt ra nhiều quan ngại với triển vọng kinh tế không chắc chắn và tăng trưởng chậm do dịch bùng phát. Khả năng mức hỗ trợ 22.700 đồng/USD sẽ khó duy trì và tỉ giá sẽ nhích lên mức 22.900 đồng/USD trong quý 4-2021, 23.000 đồng/USD trong quý 1-2022 và đạt 23.200 đồng/USD trong quý 3-2022.