Khối bê tông bao phủ lò phản ứng thứ 4 bị hư hỏng tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Chernobyl, Ukraine ngày 22-11-2018 - Ảnh: REUTERS
Mặc dù quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát Chernobyl ngay sau khi tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" ngày 24-2, các nhân viên Ukraine của nhà máy vẫn tiếp tục giám sát việc lưu trữ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng an toàn và phần còn lại hiện được phủ bê tông tại nhà máy này.
Ngày 26-4-1986, lò phản ứng số 4 của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl bị nổ và đã gây ra sự cố hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử. Sau thảm họa, người ta đã bao bọc lò phản ứng số 4 bằng một lớp bê tông nhằm ngăn chặn rò rỉ phóng xạ ra môi trường xung quanh.
Theo Hãng tin Reuters, Công ty Energoatom cho biết trước đó các công nhân của họ đã thông tin rằng các lực lượng Nga đang lên kế hoạch rời khỏi nhà máy.
Tuyên bố của nhà máy cho biết: "Thông cáo này để xác nhận rằng những người chiếm giữ Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và các cơ sở khác trong khu vực đã rời đi về phía biên giới Ukraine với Cộng hòa Belarus".
Cũng theo tuyên bố, còn một số ít, nhưng không rõ bao nhiêu, quân nhân Nga vẫn ở Chernobyl. Lực lượng Nga cũng đã rút lui khỏi thị trấn Slavutych gần đó, nơi các công nhân tại Chernobyl sinh sống.
Trong một bài đăng trực tuyến riêng, Công ty Energoatom cho biết phía Nga đã chính thức đồng ý giao lại cho Ukraine trách nhiệm bảo vệ Chernobyl. Công ty chia sẻ bản scan thỏa thuận có chữ ký của những người được xác định là nhân viên cấp cao tại Chernobyl, quan chức quân đội Nga được giao nhiệm vụ canh gác Chernobyl và những người khác.
Reuters không thể xác minh ngay tính xác thực của thông tin và phía các nhà chức trách Nga cũng chưa lên tiếng về sự việc cụ thể này.
Ukraine đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về an toàn với Chernobyl và yêu cầu lực lượng Nga tại đây rút quân vì sự hiện diện của họ ngăn cản việc luân chuyển nhân sự của nhà máy trong một thời gian.
Trước đó, cũng trong ngày 31-3, người đứng đầu Energoatom hối thúc cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc giúp đảm bảo rằng các quan chức hạt nhân Nga không can thiệp vào hoạt động của Chernobyl và Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nhà máy lớn nhất châu Âu, hiện cũng do quân nhân Nga chiếm giữ.