Theo kế hoạch, xe tự hành Mặt Trăng Rashid sẽ hoàn toàn do UAE thiết kế.
Ban đầu, quốc gia vùng Vịnh này dự định đưa xe tự hành lên vũ trụ vào năm 2024.
Trung tâm vũ trụ Mohammed Bin Rashid (MBRSC) sẽ chịu trách nhiệm sản xuất xe tự hành Rashid. Xe tự hành sẽ vẫn ở lại Mặt Trăng sau khi hoàn tất việc thu thập dữ liệu.
Trong khi đó, công ty iSpace được thành lập vào năm 2010 với mục tiêu cung cấp dịch vụ vận tải thương mại lên Mặt Trăng, trong khuôn khổ sứ mệnh lớn hơn là nhằm tích hợp lĩnh vực liên quan đến Mặt Trăng vào nền kinh tế của Trái Đất.
Vụ phóng năm 2022 sẽ là sứ mệnh đầu tiên kiểu này của iSpace. Doanh nghiệp sẽ sử dụng tên lửa Falcon 9 của công ty SpaceX để tiến hành vụ phóng từ bang Florida, Mỹ.
Cụ thể, tên lửa của SpaceX sẽ đưa tàu vũ trụ của iSpace vào quỹ đạo của Mặt Trăng. Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành iSpace Takeshi Hakamada cho biết tàu sau đó sẽ tự phóng lên Mặt Trăng và xe tự hành sẽ rời tàu và đáp xuống khu vực này để thám hiểm. Ngoài ra, tàu vũ trụ sẽ được lắp pin dạng rắn do công ty NGK Spark Plug (Nhật Bản) sản xuất nhằm thử nghiệm trong môi trường Mặt Trăng. Theo thỏa thuận, iSpace cũng sẽ cung cấp cho Sứ mệnh Mặt Trăng của UAE đường dây liên lạc và năng lượng trong quá trình di chuyển và liên lạc không dây khi ở trên Mặt Trăng.
UAE đang sử dụng chương trình không gian để phát triển năng lực khoa học và công nghệ, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Sứ mệnh Mặt Trăng này là một phần trong tầm nhìn lớn hơn của UAE về viễn cảnh định cư trên Sao Hỏa vào năm 2117
Trước đó, UAE đã triển khai Chương trình Vũ trụ quốc gia vào năm 2017 để tăng cường chuyên gia trong lĩnh vực này. Năm 2019, Hazza al-Mansouri đã trở thành công dân UAE đầu tiên bay vào vũ trụ khi lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Trong tuần này, UAE cũng đã chọn được người để đào tạo làm nữ phi hành gia người Arab đầu tiên.