Mỗi ngày các cụ bà, cụ ông chuẩn bị những suất cơm miễn phí gửi tặng người nghèo - Ảnh: MAI THƯƠNG
Bếp ăn được đặt tại ngôi nhà của ông Phạm Văn Tuân (ở phố Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Nơi đây vốn là tiệm ăn, nhưng dịch bệnh ập đến khiến tiệm phải đóng cửa.
Những ngày giãn cách, ông Tuân xin phép chính quyền địa phương và kêu gọi bạn bè cùng chuẩn bị những suất cơm miễn phí cho bà con gặp khó khăn trong dịch bệnh.
Ông Tuân cho biết quá trình triển khai từ khâu sơ chế thực phẩm, bếp nấu và khâu vận chuyển đều phải tuân thủ theo nguyên tắc phòng chống dịch. Sau khi các suất ăn được nấu xong, ông sẽ dùng xe cá nhân chở những suất ăn miễn phí đến điểm tiếp nhận của các phường.
Ở đây vốn là tiệm ăn, nay được trưng dụng làm bếp yêu thương - Ảnh: MAI THƯƠNG
Những ngày qua, bạn bè, đồng đội cũ và những người biết đến bếp yêu thương của các cụ ông, cụ bà U70 đều ủng hộ, người góp công, người góp sức.
Một mình nơi khoảng sân sau nhà được cơ động làm "bếp yêu thương", bà Phạm Thị Thủy (ở Cầu Giấy, Hà Nội) thoăn thoắt đưa tay đảo nồi thịt kho tàu đang thơm phưng phức, tay kia bà nhanh tay đảo mớ đậu vừa lướt giòn.
Bà là chủ một quán cơm, nhưng dịch bệnh xảy đến khiến quán của bà phải đóng cửa. Vốn quen tay hay làm, nay rảnh rỗi, bà tham gia bếp yêu thương, đảm nhận vai trò đầu bếp chính.
"Bình thường có nhân viên, nhưng dịch giã mình vừa là đầu bếp vừa là… giúp việc luôn. Nấu ăn xong là nhanh chóng dọn dẹp khu vực này sạch sẽ để ngày mai tiếp tục chiến đấu", bà Thủy dí dỏm.
Thực đơn hôm nay có thịt kho tàu, bà Thủy đảm nhận nhiệm vụ "đỏ lửa" cho bếp ăn - Ảnh: MAI THƯƠNG
Ở bếp ăn này, hầu hết các cụ đã lớn tuổi, có người nói vui đến tuổi "gần đất xa trời" nhưng còn một ngày sống thì vẫn làm đẹp cho đời.
"Một miếng khi đói bằng một gói khi no, bằng sức lực, kinh nghiệm của mình, chúng tôi tự tay chế biến những món ăn ngon gửi đến bà con nghèo trong mùa COVID-19, mong muốn nhất là lan tỏa tình yêu thương đến cho mọi người", bà Thủy bày tỏ.
Còn ông Tuân từng là người lính "đi B" chia sẻ đã trải qua chiến đấu cam go nơi chiến trường, từng giành nhau cái chết để cho đồng đội sống, thì "chiến trường COVID-19" này ông chẳng sá chi.
"Trải qua bao nhiêu lăn lộn, tôi sẵn sàng làm những việc như thế này", ông quả quyết.
Mỗi ngày, bếp ăn nấu 50 suất ăn trưa - Ảnh: MAI THƯƠNG
Sau khi đóng gói cẩn thận, ông Tuân lái ôtô cá nhân chở cơm miễn phí đến các phường - Ảnh: MAI THƯƠNG
Bà Nguyễn Thị Dung (Yên Hòa, Cầu Giấy) nhận cơm và ăn trưa cùng cháu - Ảnh: MAI THƯƠNG