Từ vụ trừng phạt Didi, vì sao Bắc Kinh muốn trấn áp Big Tech?

3 năm trước 919
Từ vụ trừng phạt Didi, vì sao Bắc Kinh muốn trấn áp Big Tech? - Ảnh 1.

Chiến dịch trấn áp Big Tech của chính quyền Trung Quốc đang tăng tốc - Ảnh: BLOOMBERG, AFP

Việc Didi, ứng dụng gọi xe có hơn nửa tỉ người dùng và được ví như "Uber Trung Quốc", bị điều tra chưa đầy 1 tuần sau khi niêm yết tại Mỹ là minh chứng mới nhất. Ứng dụng này bị yêu cầu gỡ bỏ khỏi các kho ứng dụng smartphone vì "thu thập bất hợp pháp dữ liệu người dùng".

Ngay sau Didi, 3 công ty công nghệ Trung Quốc cũng bị đặt vào tầm ngắm. Trên thực tế các tín hiệu cảnh báo đối với Didi và những công ty này đã xuất hiện từ lâu.

Trong đó tín hiệu cảnh báo mạnh nhất là vụ điều tra chống độc quyền đối với Alibaba hồi cuối năm ngoái và đầu năm nay. Điểm chung của các công ty công nghệ bị "sờ gáy" là niêm yết tại thị trường Mỹ.

Alibaba huy động được 25 tỉ USD khi IPO lần đầu năm 2014, Didi là hơn 4 tỉ USD trong đợt IPO cuối tháng 6 nhưng số tiền huy động không phải là vấn đề.

Vấn đề nằm ở chỗ quan hệ Mỹ - Trung đang căng thẳng và Washington đang chuẩn bị các công cụ pháp lý, buộc các công ty Trung Quốc phải cho Mỹ kiểm toán nếu muốn niêm yết. Chính quyền Bắc Kinh đã thông qua các luật đảm bảo an ninh quốc gia và yêu cầu các doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực công nghệ, hợp tác với các cơ quan an ninh.

Theo Financial Times, sự năng nổ của Cơ quan Quản lý nhà nước về quy chế thị trường Trung Quốc (SAMR) và Cơ quan Quản lý không gian mạng (CAC) đã làm chao đảo lĩnh vực công nghệ.

Hồi đầu năm nay, sau khi nhắm vào Alibaba, SAMR đã yêu cầu 30 công ty công nghệ khác "tự chấn chỉnh" và báo cáo cho cơ quan này. Trong số những công ty được yêu cầu có cả Didi làm dấy lên suy đoán công ty này sẽ từ bỏ tham vọng IPO tại Mỹ.

Tuy nhiên, Didi cuối cùng cũng quyết định niêm yết. Dù huy động được hơn 4 tỉ USD, công ty này lại chẳng tổ chức lễ ăn mừng, điều mà Hãng tin Reuters mô tả là "bất thường". Chỉ vài ngày sau đợt IPO, Didi chính thức bị CAC điều tra khiến giá cổ phiếu sụt giảm ngay lập tức 10%.

Các luật sư và những người trong ngành công nghệ mô tả việc Trung Quốc tăng cường chống độc quyền là một điều lạ, bởi từ trước đến nay luật cạnh tranh luôn bị xem nhẹ vì thiếu sự giám sát của chính quyền.

Những người khác nhận định chính quyền Trung Quốc đang muốn "yên lòng dân" bằng chiến dịch "trấn áp Big Tech", theo Financial Times.

Theo nhóm này, các công ty công nghệ ngày càng lớn mạnh nhưng lại ra sức bóc lột những người yếu thế và không chia sẻ những gì kiếm được với nhân viên, điển hình như các nền tảng thương mại trực tuyến và các công ty giao thức ăn.

Từ vụ trừng phạt Didi, vì sao Bắc Kinh muốn trấn áp Big Tech? - Ảnh 2.

Tài xế của một công ty giao thức ăn chờ "nổ đơn". Các công ty thuộc lĩnh vực này đã bùng nổ trong dịch COVID-19 khi việc đi lại khó khăn và nhiều người hạn chế ra đường vì sợ lây nhiễm - Ảnh: AFP

Một bài xã luận của Thời báo Hoàn Cầu lại phản ánh mặt khác của vấn đề. Bài viết đăng ngày 4-7 nhấn mạnh không một công ty công nghệ nào có quyền trở thành kho dữ liệu thông tin cá nhân lớn hơn chính quyền.

Bài xã luận của Thời báo Hoàn Cầu không chỉ là lời cảnh báo các công ty công nghệ khác mà còn phản ánh nỗi lo của chính quyền Trung Quốc về sự lớn mạnh của Big Tech.

Ông Li Shouzhen, một thành viên của Ủy ban tư vấn Chính phủ Trung Quốc, hồi tháng 3-2021 tuyên bố đã tới lúc kiểm soát các Big Tech, chuyển từ giai đoạn phát triển không kiểm soát sang có kiểm soát.

Theo ông Li, chấn chỉnh lại các công ty công nghệ lớn là cần thiết để tạo ra sự cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng và các công ty khởi nghiệp nhỏ khỏi việc bị các Big Tech "nuốt chửng".

Chính quyền Trung Quốc dường như đã hạ quyết tâm "bẻ nanh vuốt" các Big Tech và đang làm rất nhanh, với các quy định tiệm cận Mỹ và châu Âu, theo Financial Times. Luật chống độc quyền của Trung Quốc cho phép phạt tới 10% tổng doanh thu nội địa hằng năm của một công ty, mức phạt tương đương quy định ở châu Âu.

Ông Oliver Rui, giáo sư tài chính tại Thượng Hải, cảnh báo việc kiểm soát chặt chẽ việc thu thập dữ liệu sẽ là rủi ro hàng đầu đối với các công ty công nghệ và tạo ra ảnh hưởng dây chuyền.

Ông Rui chỉ ra việc Apple đã khiến ngành quảng cáo toàn cầu lao đao khi cập nhật các phiên bản hệ điều hành mới, trong đó cho phép người dùng quyết định chia sẻ hay ngăn chặn các ứng dụng/trang web thu thập dữ liệu.

 Vừa múa kiếm, lại che khiên!Quyền lực của Big Tech: Vừa múa kiếm, lại che khiên!

TTO - Vụ bạo loạn ở Đồi Capitol ngày 6-1 không chỉ đánh dấu một chương buồn về khủng hoảng chính trị ở Mỹ, nó còn cho thấy quyền lực của các gã khổng lồ công nghệ ở Mỹ (Big Tech).

Nguồn bài viết